(Thanh tra) - Từ khi thành lập đến nay, ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên ngày càng lớn mạnh, trưởng thành để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam là rất đáng tự hào, ngành Thanh tra vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990), Huân chương Sao Vàng (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2015) và nhiều phần thưởng cao quý khác… Báo Thanh tra xin trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài viết về những thành tích nổi bật của ngành Thanh tra Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng của đất nước.
Từ năm 1945 đến 1954, ngành Thanh tra đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thực dân Pháp trở lại theo sau quân đội Anh dưới danh nghĩa đồng minh, miền Bắc là quân đội Tưởng…
Thực hiện chức trách, nhiệm vụ, ngành Thanh tra đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động: Xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh của các tầng lớp Nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trực tiếp thanh tra tại những nơi có tình hình bức bức xúc, phức tạp.
Tại tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Ban Thanh tra đã trực tiếp xem xét, trao đổi ý kiến với Tỉnh ủy và quyết định trả tự do cho hơn 30 người bị bắt giam bị bắt và giam giữ oan sai hoặc có phạm lỗi nhưng chưa bị bắt giam. Thanh tra việc tham ô của chủ tịch một tỉnh theo đơn thư phản ánh, tố giác của Nhân dân, kết quả thanh tra đã quyết định cách chức chủ tịch tỉnh…
Khi cuộc kháng chiến kiến quốc bắt đầu, hoạt động thanh tra chuyển hướng sang phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như: thanh tra công tác chỉ huy chiến đấu, vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo; vấn đề xây dựng lực lượng bộ đội; công tác sản xuất; đảm bảo quốc phòng, quỹ nuôi quân; chống tham ô, chống lãng phí… Trong đó, thanh tra tại một số khu và mặt trận về công tác chỉ huy chiến đấu. Tổ chức đoàn công tác liên ngành và những chí sĩ, linh mục yêu nước làm việc tại Liên khu Việt Bắc, Liên khu X, Liên khu III để xem xét tình hình và giải quyết những nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, đặc biệt là vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn kháng chiến, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sẽ góp phần tạo ra mối liên hệ giữa trên và dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng nhằm đảm bảo tính chất chính quyền của dân, do dân và vì dân. Cùng với vai trò đó, công tác thanh tra còn bảo đảm ngăn chặn mọi tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”.
Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm quan trọng về yêu cầu, mục đích và nhiệm vụ của công tác thanh tra. Đồng thời, Người cũng nêu rõ quan điểm về tiêu chuẩn cán bộ thanh tra.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Đó là những tư tưởng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra. Tư tưởng đó soi sáng mọi hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt, đồng thời đặt cơ sở, nền móng cho việc xây dựng hệ thống tư tưởng, tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra sau này.
Đặc biệt, trong năm 1945-1950, đoàn thanh tra (trong đó lực lượng thanh tra quân đội làm nòng cốt) đã phát hiện vụ Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha quân nhu thuộc Bộ Quốc phòng đã có hành vi tham ô, nhận hối lộ, giả mạo con dấu… Từ kết quả thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê duyệt bản án của Tòa án quân sự Tối cao về việc tử hình đối với Trần Dụ Châu. Cuộc thanh tra “vụ án H122” của Ban Thanh tra Chính phủ đã minh oan cho hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân bị bắt giam do tình nghi là gián điệp của thực dân Pháp.
Có thể nói, hoạt động thanh tra trong thời kỳ này mặc dù tổ chức bộ máy còn đơn sơ lực lượng thanh tra còn kiêm nhiệm, chưa có luật pháp hoàn chỉnh, nhưng công tác thanh tra đã có nhiều đóng góp vào thắng lợi vẻ vang của công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại án tham nhũng Trần Dụ Châu
Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám. Cục Quân nhu có nhiệm vụ lo ăn, mặc, thuốc men của quân đội.
Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, không biết tự kiềm chế, Trần Dụ Châu đi dần vào con đường sa ngã.
Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đô la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên - Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn.
Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đoạ, đồi truỵ.
Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Toà án binh Tối cao mở phiên toà đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu. Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, Tòa tuyên: tử hình; tịch thu ba phần tư tài sản.
Bản án cho thấy sự trừng phạt nghiêm khắc của Hồ Chủ tịch đối với tội tham nhũng.