Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lễ hội đền Tranh: Giữ gìn nét đẹp truyền thống, hướng tới du lịch bền vững

Nguyễn Nhài

Chủ nhật, 09/03/2025 - 20:15

(Thanh tra) - Sáng 9/3 (tức 10/2 âm lịch), hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đổ về đền Tranh (thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương) để tham dự lễ rước nước và khai mạc lễ hội truyền thống.

Ông Phạm Văn Khảnh, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang đánh trống khai hội. Ảnh: Nguyễn Nhài

Tấp nập rước nước, khai hội

Lễ hội đền Tranh năm nay được tổ chức từ ngày 7 - 9/3 và ngày 13/3 với quy mô cấp huyện. Được coi là một trong những lễ hội lớn nhất huyện Ninh Giang, diễn ra với nhiều nghi thức trang trọng cùng hàng loạt hoạt động văn hóa đặc sắc.

Đông đảo người dân và du khách tham gia nghi lễ rước nước truyền thống, hòa mình vào không khí linh thiêng và sôi động của lễ hội. Ảnh: Nguyễn Nhài

Ngay từ sáng sớm, khu vực đền Tranh đã nhộn nhịp với dòng người đổ về tham dự nghi lễ rước nước - một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ hội.

Đoàn rước khởi hành từ đền chính, đi qua các tuyến đường trong thị trấn Ninh Giang và tiến ra sông Luộc để lấy nước thiêng. Dẫn đầu đoàn rước là đội múa lân - sư - rồng rực rỡ, tiếp sau là đội ngũ quan viên trong trang phục truyền thống, mang theo kiệu và lễ vật.

Đoàn rước trong trang phục truyền thống diễu hành qua phố. Ảnh: Nguyễn Nhài

Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân địa phương, chia sẻ: “Lễ rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với Quan lớn Tuần Tranh. Năm nào tôi cũng đi lễ để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình”. Ảnh: Nguyễn Nhài

Sau nghi thức rước nước, các đoàn tiến hành dâng lễ vật lên Quan lớn Tuần Tranh. Tiếp đó, lễ khai hội chính thức bắt đầu với các tiết mục trống hội, võ cổ truyền, múa lân và màn đánh trống khai mạc, tạo không khí trang nghiêm, trước khi diễn ra nghi thức dâng hương.

Phát biểu tại lễ khai hội, ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, Trưởng ban Tổ chức lễ hội, nhấn mạnh rằng lễ hội đền Tranh không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Thành Vạn phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội đền Tranh 2025. Ảnh: Nguyễn Nhài

Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động hấp dẫn hơn so với các năm trước. Ngoài múa rối nước và trưng bày gian hàng OCOP, ban tổ chức đã bố trí phần hội dày đặc trong ba ngày với các trò chơi dân gian như: Đập niêu đất, bắt trạch trong chum, đi cầu kiều, pháo đất… tạo điểm nhấn ấn tượng, thu hút đông đảo du khách.

Anh Trần Văn Dũng, một du khách từ Hà Nội, chia sẻ: "Không khí lễ hội rất sôi động. Tôi đặc biệt thích nghệ thuật rối nước vì nó mang đậm nét văn hóa dân gian”.

Lễ hội năm 2025 cũng có nhiều đổi mới như tổ chức thêm đêm văn nghệ, đầu tư vào các nghi lễ rước hội với trống hội, kiệu, bát bửu và bộ chấp kích. Đặc biệt, đội lân sư rồng đến từ phường Vĩnh Trại (Lạng Sơn) tiếp tục tham gia, tạo sự giao thoa văn hóa đặc sắc.

Nghi thức Cung tuyên chúc văn. Ảnh: Nguyễn Nhài

Định hướng phát triển lễ hội gắn với du lịch

Lễ hội đền Tranh không chỉ là hoạt động văn hóa tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch địa phương. Theo ông Nguyễn Thành Vạn, huyện Ninh Giang đã xác định hai định hướng quan trọng: Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát huy giá trị di sản văn hóa để thu hút du khách.

Trước hết, công tác bảo tồn tập trung vào việc gìn giữ và phục hồi các nghi thức lễ hội, trò chơi dân gian, đảm bảo đúng với truyền thống. Bên cạnh đó, công tác quảng bá cũng được đẩy mạnh, giúp lễ hội được nhiều người biết đến hơn, từ đó thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

“Muốn cho lễ hội duy trì được, cần quảng bá rộng rãi để nhiều người biết đến. Khi nhiều người biết, họ sẽ đến dự, và nếu thấy hấp dẫn, sang năm họ sẽ quay lại. Mỗi một người đã đến đền Tranh rồi, sau khi dự lễ hội, sẽ là một tuyên truyền viên tích cực cho nét đẹp của lễ hội và đền Tranh”, ông Nguyễn Thành Vạn nhấn mạnh.

Lễ hội đền Tranh được tổ chức thường niên vào tháng Hai và tháng Năm âm lịch nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Quan lớn Tuần Tranh – vị thần sông nước cai quản khúc sông ở gần bến đò Tranh, cầu cho gió lặng, sóng êm, thuận buồm xuôi gió.

●      Ngày 25/3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Tranh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

●      Năm 2022, lễ hội truyền thống đền Tranh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

●      Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

●      Tháng 3/2024, đền Tranh chính thức được đón nhận quyết định là điểm du lịch của tỉnh Hải Dương, đánh dấu một bước phát triển mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025 sẽ diễn ra rực rỡ bên bờ sông Hương

Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025 sẽ diễn ra rực rỡ bên bờ sông Hương

(Thanh tra) - Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025 sẽ diễn ra vào tối ngày ngày 25/3/2025 tại sân khấu bên bờ sông Hương, phía trước Trường Quốc Học. Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Lời tự tình dòng sông" nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam, đồng thời quảng bá Festival Huế 2025 và kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 – 26/3/2025).

Minh Tân

21:09 18/03/2025
Về Bắc Ninh tham dự Lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt

Về Bắc Ninh tham dự Lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt

(Thanh tra) - Năm nay, Lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt (Yên Phong, Bắc Ninh) diễn ra trong 3 ngày từ 15 đến 17/3 (tức 16, 17, 18 tháng 2 Âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Hải Hà

07:37 17/03/2025

Tin mới nhất

Xem thêm