Đổi thay nhờ hương trầm

Những ngày giáp Tết, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu như đón Xuân sớm hơn bởi khắp các ngả đường của thị trấn hay vào các bản làng xa xôi, đi đâu cũng thoang thoảng mùi hương trầm theo hương rừng gió núi lan tỏa một mùi thơm đặc trưng. Các cơ sở sản xuất hương trầm tấp nập người bán kẻ mua, tạo nên không khí tươi vui và bận rộn trong những ngày Tết đến Xuân về.

Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ hơn 50 năm về trước. Ban đầu chỉ với một số gia đình làm phục vụ bà con trong vùng. Theo thời gian, với bí quyết riêng đã tạo nên mùi thơm đặc trưng mà không nơi nào có được đã đưa thương hiệu hương trầm Quỳ Châu nức tiếng khắp cả nước.

leftcenterrightdel
Đôi tay thoăn thoắt của các cô gái dân tộc Thái điêu luyện như những nghệ nhân đang tất bật quấn hương trầm cho kịp chuyến hàng cuối. Ảnh: Hải Yến

Một trong những hộ kinh doanh hương trầm nổi tiếng Quỳ Châu là hương trầm Hà Loan có địa chỉ tại khối 2, thị trấn Tân Lạc. Những ngày cao điểm này cơ sở luôn tập nập người đến mua hàng. Ngoài những công nhân nhận nguyên liệu về làm thêm tại nhà, mỗi ngày có từ 20-30 người làm tấp nập ngày đêm tại cơ sở mới kịp đủ giao số lượng trầm hương khách đã đặt.

Hiện, mỗi ngày cơ sở này sản xuất hơn 10 vạn búp hương trầm các loại. Chị Trần Thị Loan, chủ cơ sở phấn khởi cho biết: Với kinh nghiệm làm hương lâu đời đã tạo nên thương hiệu hương trầm Quỳ Châu nói chung và hương trầm Hà Loan chúng tôi nói riêng, hương trầm xứ Quỳ Châu bây giờ không chỉ cung cấp phục vụ cho người dân xứ Nghệ mà còn mở rộng thị trường đến khắp các vùng, miền trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Lê (83 tuổi) - mẹ chồng chị Loan - bồi hồi nhớ lại những thăng trầm khi bắt đầu bước chân vào nghề làm hương trầm. Bà cho biết, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực thị trấn Tân Lạc chỉ có vài người đồng bào biết làm hương trầm, họ thường vào rừng lấy nguyên liệu về làm hương trầm để dùng dịp Tết và làm quà biếu cho những cán bộ công tác ở Quỳ Châu về xuôi ăn Tết. Thấy loại hương này rất thơm, bà Lê cũng theo chân người đồng bào đi vào rừng tìm đào rễ hương, rồi trồng mía, quế quỳ làm nguyên liệu…

“Rễ hương đào từ rừng về rửa sạch, thái nhỏ, rang vàng hạ thổ rồi cùng nguyên liệu khác như quế quỳ, hoa hồi, thảo quả… sau đó cho vào cối giã nhỏ bằng tay, rây lấy bột làm nguyên liệu. Mía được trồng trong vườn khi thu hoạch thì róc vỏ, thái lát mỏng, phơi khô và giã thành bã mía… rồi quấn. Thời đó không có máy móc nên làm hoàn toàn bằng tay rất vất vả. Sau này tôi giao lại cho các con tiếp tục nối nghề. Hiện nay có máy móc tân tiến nên việc chế biến nguyên liệu làm hương đã dễ và nhanh hơn rất nhiều. Trừ mỗi khâu quấn hương là vẫn còn thủ công nhưng nó lại mang nét đẹp riêng cho nghề làm hương và tạo thu nhập ổn định cho bà con, nhất là bà con dân tộc Thái.

Mùa hương trầm ở Quỳ Châu bắt đầu từ tháng 9 và sản xuất liên tục cho đến tận những ngày sát Tết. Cứ đến thời điểm này, các nguyên liệu đã được chuẩn bị từ trước được tập kết về cơ sở sản xuất và cho ra các sản phẩm nhiều chủng loại phục vụ khách hàng. Song song đó là các đơn đặt hàng đã đặt sẵn và khi hoàn thành sản phẩm hương trầm sẽ được đóng gói cẩn thận, chờ xe đến tận nơi bốc hàng và đưa đi khắp mọi miền để tiêu thụ.

Chị Loan cho biết thêm: Để đưa được cây hương trầm mang thương hiệu hương trầm Quỳ Châu nức tiếng cả nước là sự lựa chọn nguyên liệu tỉ mẩn, cẩn thận từng công đoạn từ chẻ lùng, xay nguyên liệu, quấn hương… Để sản xuất hương trầm đạt chất lượng cao và mang mùi hương đặc sắc riêng biệt, ngay từ đầu năm, chúng tôi phải chuẩn bị và lựa chọn nguyên liệu rất kỹ lưỡng. Khâu quan trọng nhất là đặt mua rễ hương là nguyên liệu chính, sau đó kết hợp với các loại thảo mộc khác như hoa hồi, thảo quả, bã mía.. Tất cả đều được xay nghiền thành bột, sau đó mới trộn nguyên liệu theo tỷ lệ gia truyền. Chân hương được làm từ cây lùng mua tại địa phương, từ đầu năm và ngâm nước đến tháng 7, tháng 8 đưa lên chẻ và tẩm màu, làm sao để khô mà không giòn. Ngoài ra, phải đặt sớm hàng chục tấn bao bì, giấy quấn từ ngoài Bắc về.

leftcenterrightdel
Nhờ nghề làm hương trầm mà nhiều gia đình bà con dân tộc ở huyện miền núi có cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học. Ảnh: Hải Yến

Cũng như hương trầm Hà Loan, hương trầm của cơ sở Bình Minh tại khối 3, thị trấn Tân Lạc cũng tấp nập xe đến chở hàng đưa vào phía Nam tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Bình - chủ cơ sở hương trầm Bình Minh cho biết: Nghề làm hương xuất phát từ bố mẹ chồng tôi làm từ những năm 1964. Sau này khi tôi về làm dâu kế nghiệp ông bà và hiện nay vợ chồng con gái tôi cũng tiếp tục giữ nghề này. Hiện nay ngoài việc mang lại thu nhập cho cả gia đình thì chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Nhờ cây hương trầm mà cuộc sống của người dân Quỳ Châu được cải thiện rất nhiều.

Nhờ nghề làm hương trầm mà nhiều gia đình bà con dân tộc ở huyện miền núi có cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học.

Chị Lang Thị Thu (57 tuổi) đã có thâm niên hơn 10 năm quấn hương cho cơ sở Hà Loan cho biết: Bình thường, mỗi ngày công làm được 180 đến 200 nghìn đồng. Còn vào dịp Tết này đem về nhà làm thêm cũng được 300 nghìn đồng/ngày. Nhờ có tiền công quấn hương mà nuôi các con ăn học được đầy đủ, cuộc sống gia đình được cải thiện rất nhiều.

Đưa đặc sản núi rừng vươn xa

Ông Lô Văn Thế, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: Hương trầm được sản xuất tại nhiều nơi trên cả nước, song hương trầm Quỳ Châu có những nét nổi bật về chất lượng nên đã có uy tín trên thị trường và được nhiều nơi biết đến. Hương trầm Quỳ Châu được sản xuất cách đây hơn nửa thế kỷ và đã trở thành một nghề truyền thống của nhân dân địa phương. Từ chỗ chỉ để làm quà biếu cho khách dịp Tết, sau đó mà thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao cho người dân địa phương.

Tính đến nay nghề hương trầm Quỳ Châu được tỉnh công nhận 6 làng nghề và huyện công nhận 3 làng có nghề (tập trung ở thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, xã Châu Bình), sản lượng hương năm 2022 đạt khoảng 94 triệu que, doanh thu đạt trên 49 tỷ đồng, với khoảng hơn 80 hộ sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân huyện Quỳ Châu.

leftcenterrightdel
Làng nghề hương trầm Quỳ Châu được quan tâm đầu tư, phát triển, được đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền. Ảnh: Hải Yến 

Nghề sản xuất hương trầm đã được các cấp, ban ngành và nhân dân quan tâm đầu tư, phát triển. Đến năm 2009 UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề hương trầm Quỳ Châu. Qua thị trường, nhiều cơ sở sản xuất hương trầm đã đầu tư nhãn mác, bao bì đẹp và đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền. Một số cơ sở sản xuất hương trầm đạt sản phẩm OCOP ba sao.

“Quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hương trầm của huyện Quỳ Châu bên cạnh những thuận lợi còn gặp một số khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, mặt bằng sản xuất, nguồn nguyên liệu sản xuất tại thị trấn còn luôn bị động. Chính quyền địa phương hiện nay đang tìm các phương án giải quyết nhằm đưa sản xuất hương trầm là nghề sản xuất chiến lược của thị trấn” - ông Thế cho biết thêm.

Với những chiến lược lâu dài để phát triển nghề sản xuất hương trầm, tin rằng thương hiệu hương trầm Quỳ Châu sẽ ngày càng vươn xa, để mùi hương trầm - đặc sản của núi rừng Quỳ Châu được lan tỏa đi khắp nơi, trở thành một hương thơm đặc biệt không thể thiếu trong những ngôi nhà khắp đất nước mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Hải Yến