Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP, hiện NSRP đã làm việc với chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II/2022 theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).

Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quý II/2022 là 1,830 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3 (sản lượng thông báo này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP).

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch sản lượng trên phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp tài chính của NSRP.

Hiện, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã ban hành nghị quyết phê duyệt cơ chế thanh toán sớm FPOA đến hết tháng 5/2022, do đó NSRP đã có đủ điều kiện để hoạt động ổn định đến cuối quý II/2022.

Hiện nay, PVNDP đã và đang tiến hành triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4/2022 và chuẩn bị lịch giao hàng cho tháng 5/2022. Đối với việc giao hàng cho tháng 6/2022, PVND đang phối hợp chặt chẽ với NSRP và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.

Dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3.

Nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II/2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800 nghìn m3/tháng tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.

Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Sở công thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị phối hợp chỉ đạo việc cung ứng xăng dầu và kiểm tra kiểm soát thị trường trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch).

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2/2022 đầu tháng 3/2022 là 26.000m3 xăng và 40.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thực hiện nhập khẩu trong tháng 2/2022 khoảng 100.000m3 xăng và 200.000m3 dầu; Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 90.000m3 dầu... để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao.

Công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (công an, sở công thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương. Trong đó có các phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt đã xác định nguyên nhân, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

Ngày 10/02/2022, Bộ Công Thương đã triển khai đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa bàn một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để kiểm tra việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá đã được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.

Ngày 15/02/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định thành lập 03 đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo đó các đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó, công tác điều hành giá xăng dầu luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đang phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít. 

Trong các kỳ điều hành giá, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn. Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

T. Phong