Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 20/04/2020 - 18:35
(Thanh tra)- Ngày 20/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 44, cho ý kiến một số vấn đề Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cơ chế chia sẻ rủi ro tiếp tục nhận được sự quan tâm.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Chia sẻ rủi ro theo tỷ lệ 50/50
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Dự thảo đã được tiếp thu sửa đổi, bổ sung, xác định “không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu”.
Các điều kiện để chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP được đưa ra là: Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng quy định như Dự thảo Luật quá chặt chẽ, không tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP.
Song, theo ông, vấn đề này cần phải bàn kỹ. “Tôi rất lo vì nếu không cẩn thận có khi phần Nhà nước bù cho doanh nghiệp gấp nhiều lần so với số vốn đầu tư dự án”, ông Hiển nói.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều kiện chia sẻ rủi ro như Dự thảo đã rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, mức chia sẻ cũng đã được điều chỉnh so với trước đó.
Theo ông Dũng, trước đây, đối với phần giảm doanh thu của doanh nghiệp thì Nhà nước chia sẻ không quá 50% nhưng phần tăng thu thì doanh nghiệp phải chia sẻ cho Nhà nước không thấp hơn 50%.
"Nhiều ý kiến cho rằng không công bằng", Bộ trưởng Dũng nói và cho biết, Dự thảo đã sửa lại theo hướng thống nhất chia sẻ theo tỷ lệ 50/50 kể cả phần doanh thu tăng và giảm.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định, phần giảm doanh thu chỉ được Nhà nước chia sẻ khi đảm bảo các điều kiện chặt chẽ, còn đối với phần tăng doanh thu thì bất cứ dự án nào có doanh thu tăng hơn 125% đều phải chia sẻ 50% với Nhà nước.
Nhà nước không cam kết, không ai muốn làm PPP
Cho ý kiến sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, chia sẻ rủi ro là điểm nhấn lớn nhất của dự án luật này, nhằm thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, về quan điểm, ông Lưu ủng hộ cơ chế chia sẻ rủi ro.
Tuy nhiên, theo ông Lưu, cần quy định mức chia sẻ, trình tự chia sẻ thế nào để thực hiện được và đồng tình với phương án tăng hay giảm doanh thu cũng chia theo tỉ lệ 50/50 để đảm bảo công bằng.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, nhiều quy định của luật chặt hơn cả đầu tư công trong khi trách nhiệm của Nhà nước trong việc thanh toán thì chưa thấy nói tới.
“Nhà nước mà không cam kết thì chả ai muốn làm. Làm xong lúc đó mới đi xin thanh toán thì mệt lắm”, ông Phúc nói và kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định của Dự thảo Luật để đảm bảo thông thoáng, thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với cơ chế chia sẻ rủi ro vì đây là phương án cởi mở, thu hút nhà đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình chia sẻ rủi ro với điều kiện cụ thể, nhất là khi phần giảm doanh thu là do lỗi của Nhà nước như việc thay đổi chính sách, quy hoạch, ảnh hưởng tới kết quả doanh thu. Tuy nhiên, ông Hiển đề nghị để 2 phương án về mức chia sẻ để Quốc hội tiếp tục thảo luận, quyết định.
Thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP
Một vấn đề nữa, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay, lĩnh vực đầu tư dự án PPP đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng thu hẹp.
"Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia", ông Thanh nói.
Theo đó, chỉ còn 5 nhóm lĩnh vực gồm: Giao thông Vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Như vậy, so với Dự thảo trình trước đây, không còn lĩnh vực đầu tư là “trụ sở cơ quan Nhà nước”. Vấn đề này nhận nhiều ý kiến tán thành trong Thường vụ Quốc hội.
Còn về quy mô đầu tư dự án PPP, Dự thảo đang đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.
“Với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Phương án 2, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Sau thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kết hợp 2 phương án thành 1 phương án. Theo đó, dự án lĩnh vực y tế, giáo dục, dự án ở vùng sâu, vùng xa thì tổng mức đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng, các lĩnh vức khác thì tối thiểu 200 tỷ đồng.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là chia sẻ của ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính về kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 của Thanh tra ngành Tài chính.
Trần Quý
(Thanh tra) - Ngày 25/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1441/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Quốc tế Phương Anh (ở thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) 185 triệu đồng.
Trần Quý
Trần Hậu Quý
PV
Trà Vân
Cảnh Nhật
Cảnh Nhật
Nhật Minh
Văn Thanh
Thúy Hằng
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Bùi Bình