Góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng “đen”

Tại đây, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số đạt trên 221.600 tỷ đồng.

Từ đó, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.

“Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", ông Thắng nói.

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng được nâng cao khi tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH tại thời điểm 31/8/2019 còn 0,75%, trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,33%.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cũng khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành đã thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Đó là, chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” đã thúc đẩy người nghèo và đối tượng chính sách tìm cách làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.

“Quá trình tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên như tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã trở thành "điểm sáng" trong cả nước”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng thông tin.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

“Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, ông Vương Đình Huệ nói.

Mỗi tỉnh dành ít nhất 100 tỷ đồng cho đối tượng chính sách vay

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, thách thức. Ông Thắng cho biết, chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số vùng, địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao.

Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, nên một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Thêm vào đó, theo Phó Thủ tướng, vốn của địa phương ủy thác qua NHCSXH còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn. Từ thực tế đó, ông đề nghị, các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

“Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

“Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ để có mức vốn của Nhà nước và có nguồn gốc Nhà nước đủ lớn cho NHCSXH, có cơ chế cho ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu”, lãnh đạo Chính phủ giao và nhấn mạnh, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHCSXH tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. Thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới.

Cùng với đó, là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này...

Hương Giang