Theo Cục Chăn nuôi, để khắc phục thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra đối với ngành chăn nuôi, cần chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau những ngày ngập lụt và mưa lũ; có kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; gia cố chuồng trại để phục hồi và phát triển sản xuất sau thiên tai, xây dựng các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp cơ sở cần khẩn trương thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; xây dựng kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất chăn nuôi.

Theo Cục Thú y, dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết khí hậu nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh động vật bùng phát rất cao.

Các địa phương bị ảnh hưởng bới bão số 3 và hoàn lưu sau bão cũng là các địa phương có dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) trầm trọng nhất cả nước (731 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố), do đó, vi rút DTLCP đã phát tán trên toàn bộ địa bàn các tỉnh phía Bắc, trong khi vi rút này có sức đề kháng rất mạnh, đường lây truyền phức tạp, nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn.

Hiện nay, Cục Thú y đang tiếp nhận các văn bản đề nghị hỗ trợ vắc xin, hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia của các địa phương để xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ.

Tới nay, có 6 địa phương đã có văn bản đề nghị hỗ trợ 620 nghìn liều vắc xin, 113,5 nghìn lít hóa chất nguồn dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh động vật sau bão số 3 là Thái Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hải Phòng.

Cục Thú y đã rà soát hồ sơ đề nghị, cân đối lượng tồn kho trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quyết định xuất cấp 55 nghìn lít hoát chất từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ địa phương.

Theo Cục Thú y, biện pháp trước mắt đề khôi phục đàn vật nuôi là cần tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc, tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; tiêm phòng vắc xin đầy đủ đối với các bệnh phổ biến của từng loại vật nuôi

Tính đến ngày 25/09/2024, các mạnh thường quân, doanh nghiệp, công ty đã cam kết ủng hộ, hỗ trợ người dân trị giá tương đương là 90,016 tỷ đồng với nhiều hình thức tiền mặt, thức ăn, con giống chất xử lý cải tạo môi trường nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.

Theo Cục Thủy sản, giải pháp trước mắt là phải tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân; tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm; kết nối các doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại.

Về lâu dài, cần rà soát lại các vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín; kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và kỹ năng cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai liên quan đến ngành thủy sản.

 

Hoàng Nam