Ngày 19/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP”. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã chia sẻ thông tin trên.

Không muốn học nghề do tâm lý… trọng bằng cấp

Báo cáo về tình hình thực hiện quy định pháp luật về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó có 311 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 68 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 37 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 130 doanh nghiệp, các loại hình khác.

Về công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn Hà Nội có tổng số 369.114 học sinh tốt nghiệp cấp THCS.

Trong đó, 26.010 học sinh vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (tỷ lệ 7,05%); 31.572 học sinh vừa học văn hóa kết hợp học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chỉ tiêu dạy văn hóa (tỷ lệ 8,6%).

Đánh giá chung về công tác tuyển sinh đào tạo nghề, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chia sẻ, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trên địa bàn TP tuy có tăng hàng năm những vẫn đạt tỷ lệ thấp (năm 2023 đạt 18,5%).

Nguyên nhân được lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lý giải là do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.

Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học...

Cần thêm chính sách phù hợp

Tại hội nghị, nhiều cử tri cho rằng, cần thêm những chính sách phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề.

Cử tri quận Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm đề nghị TP tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động, nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; TP xem xét tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương.

Cử tri các huyện: Thường Tín, Gia Lâm, Thạch Thất, Phú Xuyên… đề nghị TP tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động - nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; xem xét tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương.

leftcenterrightdel
 HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Ảnh: HH

Đại diện lãnh đạo các trường đào tạo nghề của TP cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng tỉ lệ thấp; nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh.

Do vậy, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao. Đồng thời, căn cứ điều kiện gia đình học sinh và theo đối tượng từng vùng miền trong việc đào tạo nghề...

Xác định nhu cầu lao động để “đặt hàng” đào tạo

Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thời gian tới, UBND TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thay đổi nhận thức của xã hội, nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp, tránh tâm lý coi trọng bằng cấp rất nặng. Trong khi tốt nghiệp đại học khó tìm việc mà doanh nghiệp lại thiếu lao động có tay nghề cao. Đặc biệt, TP sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng lộ trình mô hình các trường nghề, trong đó có 4 trường đào tạo chất lượng cao, bảo đảm điều kiện vận hành, kiểm định chất lượng; trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù.

Đồng thời, TP cũng sẽ có cơ chế chính sách đặc thù cho từng nhóm đối tượng trong đào tạo, giải quyết việc làm như đối tượng khuyết tật, thanh niên, người chấp hành xong án phạt tù… để kịp thời chính sách tới từng nhóm đối tượng.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, các địa phương khảo sát đối tượng, xác định nhu cầu để đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối với đào tạo lao động chất lượng cao yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát thay đổi phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả phiên giao dịch việc làm… để đáp ứng xu thế hiện nay.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, với vị trí vai trò đặc biệt của Thủ đô, yêu cầu đặt ra về đời sống việc làm rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng tình với một số giải pháp của UBND TP, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, khi triển khai thực hiện cần quan tâm về giải pháp, lộ trình; các kế hoạch triển khai phải khoa học, thực chất, hiệu quả, trong đó cần có giải pháp căn cơ, đảm bảo cung -cầu hợp lý; đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống.

Hải Hà