Tiềm năng của “thủ phủ” tre luồng

Theo tìm hiểu, cây luồng ở huyện Lang Chánh được đưa vào trồng những năm 1970. Giống luồng Lang Chánh được vinh dự trồng ở Lăng Bác và Nghĩa trang Trường Sơn. Một thời, luồng Lang Chánh được phong là “vua luồng” và có thành tích trong phong trào trồng luồng. Với diện tích lớn, quy mô bao phủ rộng nên cây luồng, vầu ở các huyện miền núi nói chung, huyện Lang Chánh nói riêng trở thành cây sinh kế, cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân khu vực miền núi. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm nâng cao giá trị  cho sản phẩm từ tre, luồng, đồng thời ban hành một số văn bản chỉ đạo cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo, phục tráng rừng luồng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất tre, luồng hiện vẫn được đánh giá thấp so với tiềm năng, lợi thế, nguyên nhân là do tỷ lệ nguyên liệu tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến mới ở dạng sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao...

Để biến giấc mơ cây tre luồng của đồng bào dân tộc thành cây triệu đô, đang là trăn trở chung của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo các huyện miền núi, nơi có diện tích tre luồng lớn nói riêng.

leftcenterrightdel
 Cây luồng xứ Thanh đang dần được hiện thực hóa thành cây triệu đô như mong mỏi của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Thanh Hóa. Ảnh: VT

Chia sẻ với PV Báo Thanh tra về hướng phát triển, tiêu thụ sản phẩm từ cây tre luồng trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa về việc thúc đẩy xúc tiến đầu tư, những năm qua huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức vào tìm hiểu đầu tư lĩnh vực chế biến tre, luồng. Đặc biệt, tháng 3/2021, Công ty Cổ phần BamBo King Vina được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương đầu tư, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các yếu tố khách quan khác, nên mãi đến 9/2022 mới có giấy phép xây dựng. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án, ảnh hưởng của Covid -19, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, nhưng với quyết tâm của ban lãnh đạo công ty, đến nay các hạng mục dự án cơ bản hoàn thành với tổng mức đầu tư lên hơn 600 tỷ đồng. Hiện  đơn vị đầu tư nhà máy đang cố gắng chạy đua với thời gian để hết quý II/2023 sẽ chính thức đi vào hoạt động.  

“Để mở ra hướng mới cũng như tương lai của ngành tre luồng Thanh Hóa nói riêng và tre luồng Việt Nam nói chung, đồng thời làm thay đổi nhận thức về giá trị cây tre luồng, từ đó giúp cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và tiến tới làm giàu từ cây tre luồng, đưa những sản phẩm từ tre luồng trở thành thương hiệu đặc trưng của Thanh Hóa đến với bạn bè thế giới, thực sự trở thành cây triệu đô, cây vàng xanh thì cần có sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành tham mưu cho tỉnh Thanh Hóa về chiến lược phát triển cây tre luồng, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng luồng cho đồng bào các dân tộc”, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng nói.

Mong mỏi “biến” tre luồng thành cây triệu đô

Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, cây luồng ở Lang Chánh ban đầu được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu làm vật liệu sử dụng hàng ngày của nhân dân trong huyện. Luồng được trồng nhiều ở các xã thuận lợi về giao thông đường thủy như ở Giao An, Quang Hiến (cũ), Tân Phúc, Tam Văn, Giao Thiện, vì trước đây các địa phương này chưa thuận lợi về giao thương, phần lớn luồng được vận chuyển bán về xuôi bằng đường thủy là chủ yếu. Sau này khi điều kiện giao thông thuận lợi, tre luồng được vận chuyển bán đi các huyện, tỉnh khác bằng cơ giới, vận chuyển đường thủy không còn. Chính vì vậy, diện tích trồng luồng của huyện ngày càng được mở rộng ra hầu khắp các làng, bản, thôn, xã và cây luồng được xem là cây xóa đói giảm nghèo, có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là cho đồng bào các dân tộc thiểu số còn nghèo. Đây là nguồn thu nhập chính và đang đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hàng nghìn hộ dân trong huyện.

leftcenterrightdel
 Công nghệ mới của các nhà đầu tư sẽ thu mua, chế biến luồng thành nhiều sản phẩm có giá trị trong cuộc sống thường ngày. Ảnh: VT

Trong quá trình Đảng bộ, chính quyền đau đáu tìm hướng đi cho thủ phủ tre, luồng. Địa phương đã rất vui mừng khi gặp ý tưởng trong phát triển, đầu tư sản xuất sản phẩm tre luồng của Công ty BamBookinh Vina trên địa bàn. Sau khi hoàn thành các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, đơn vị này đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư gần 600 tỷ đồng thi công nhà máy ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm tre luồng với công suất ước đạt 1.500 tấn/ngày. Dự kiến, cuối quý II/2023 tới đây, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.500 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trong và ngoài địa phương. Nguồn nguyên liệu chính của nhà máy là cây tre, cây luồng có đường kính từ 3 đến 8 cm, phù hợp với thực trạng phần lớn rừng luồng tại tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Nhà máy này sẽ tập trung vào tám nhóm sản phẩm chính như: Cây chống nông nghiệp, hàng rào tre luồng, nội thất tre luồng; thanh nan phay ba mặt phục vụ trang trí nội thất; modul nhà ở dân dụng bằng tre luồng; hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre luồng; tre luồng ép thanh và tre luồng ép khối.

Để có nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, trong thời gian tới địa phương sẽ kết nối các huyện trong tỉnh có diện tích rừng luồng lớn như: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước... tìm hướng đi mới cho vùng luồng của tỉnh thông qua việc cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy BambooKing Vina. Giấc mơ cây luồng trở thành cây triệu đô như mong mỏi của chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện miền núi xứ Thanh đang dần trở thành hiện thực.

Văn Thanh