Quan điểm phát triển của tỉnh Yên Bái là đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Phát triển hài hoà các khu vực kinh tế; đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo nhanh, bền vững, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân.
Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác tối đa nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39,0%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%.
GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân từ 15%-18%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 280.000 tỷ đồng. Đóng góp tổng vốn đầu tư phát triển trong GRDP bình quân từ 43%-48%. Kinh tế số chiếm 13,5% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 28%-30%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7,3%/năm.
Về xã hội, chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 25% so với năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 45%. Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 2,0%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt 1,5%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 giảm bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; giai đoạn 2026-2030 giảm bình quân 2,0 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo từng thời kỳ.
Đến năm 2030, có 7 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được những mục tiêu đó, Yên Bái cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển dịch vụ đào tạo gắn với nghiên cứu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từng bước đưa dịch vụ khoa học - công nghệ trở thành lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của tỉnh.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, trước hết là đầu tư công; thu hút tối đa nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (giao thông liên kết nội vùng, liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội), thủy lợi; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, chuyển đổi số; hạ tầng liên kết nông thôn với đô thị, liên kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản,...