Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm nông sản Việt

Lê Phương

Thứ ba, 13/08/2024 - 21:25

(Thanh tra) - Chia sẻ về chất lượng nông sản Việt Nam thời gian qua, bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng Phòng Chính sách - Xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết đang có những cải thiện đáng kể để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính hơn, đa dạng hơn, kĩ hơn về an toàn thực phẩm, về hình thức, mẫu mã, bao bì và về cả chất lượng dịch vụ cung ứng.

Thị trường nông sản Việt đang có những cải thiện đáng kể. Ảnh: TT

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với quy mô hơn 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thị trường nội địa rất tiềm năng và hấp dẫn, đặc biệt trong tình hình thị trường xuất khẩu có nhiều biến động, thì thị trường trong nước là lựa chọn "cứu cánh" cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Thời gian gần đây, các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến đều được cấp mã số vùng trồng, mã truy xuất nguồn gốc, triển khai áp dụng các chương trình VietGap, GlobalGap cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nhìn về tổng quan, mức độ tỉ lệ còn hạn chế, nhỏ lẻ so với đại đa số các sản phẩm nông sản trôi nổi, chưa rõ nguồn gốc, hoặc thông tin sản phẩm còn sơ sài, không đầy đủ, người tiêu dùng rất khó để kiểm chứng thông tin. Trong khi đó, chi phí tiêu dùng cho các sản phẩm chất lượng, được kiểm chứng lại rất cao so với các sản phẩm thông thường.

Theo bà Mai, việc không minh bạch thông tin sản phẩm là yếu tố tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Ví dụ các nhà sản xuất không có áp lực để làm đúng, làm chuẩn. Khi nhà sản xuất làm đúng làm chuẩn rồi lại thiếu động lực để duy trì chất lượng. Còn người tiêu dùng, hoặc phải chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm không biết có an toàn hay không, có sạch hơn như quảng cáo không hay dần mất niềm tin với sản phẩm nông sản của Việt Nam. Điều đó vô hình chung làm mất đi tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp xúc, tiếp cận với nông sản có chất lượng cao một phần do định hướng của chính doanh nghiệp và xuất phát từ một số lý do khác.

Ông Tiến cho rằng, hiện hầu hết với các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao đa số tập trung vào thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước. Lợi nhuận cao hơn thì doanh nghiệp trong nước sẽ ưu tiên xuất khẩu. Ngoài ra, về phía cơ quan nhà nước, cơ chế kiểm soát và công tác quản lý chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi người tiêu dùng lại mong muốn sản phẩm giá rẻ, nên những nông sản chưa đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng không cao vẫn trôi nổi trên thị trường.

Cũng theo ông Tiến, trước đây các doanh nghiệp lớn tập trung vào thị trường xuất khẩu thì nay đã bắt đầu quan tâm tới thị trường trong nước. Vấn đề làm sao để các doanh nghiệp lớn trong nước ưu tiên cung cấp các nông sản chất lượng cao thì cần có sự kết hợp từ rất nhiều những yếu tố.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.

Đầu tiên về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, phải tạo điều kiện thuận lợi, phải hình thành chuỗi giá trị, cung cấp chuỗi kết nối giữ hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp. Với xu hướng thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt là mạng xã hội cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gắn kết với sàn thương mại điện tử để bán hàng có truy xuất có nguồn gốc và an toàn.

Nhận thức và lượng thông tin người tiêu dùng chưa thực sự tin vào hàng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, vì những phiên livetreams tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Qua các phiên livetreams, người tiêu dùng sẽ nhận thức được giá trị từ sản phẩm, theo đó, khả năng chi trả của họ cho sản phẩm sẽ ở mức cao hơn.

Cùng với đó, người tiêu dùng có nhiều điều kiện tiếp xúc nông sản chất lượng cao cần đẩy mạnh hệ thống logistics chuyên biệt, cần nhất là logistics lạnh, kho lạnh, xe chuyên chở chuyên dùng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chuẩn chỉnh, đảm bảo an toàn chất lượng.

Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông sản, bà Mai cho biết, thời gian qua, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm nông sản Việt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng miền, quốc gia.

Đặc biệt, với trọng điểm là chương trình cấp quốc gia xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai với rất nhiều đổi mới, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm nông sản.

Trung bình mỗi năm chương trình hỗ trợ cho các đơn vị chủ trì, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức khoảng 15 hội chợ vùng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường kết nối giao thương cho các ngành hàng, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm.

Về giải pháp, trong thời gian tới, bà Mai cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp đồng hành cùng các bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; nhà sản xuất, nhà phân phối tiếp tục xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ của địa phương tại thị trường nội địa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tổng công ty Khí Việt Nam làm việc với tỉnh Nam Định thúc đẩy dự án Trung tâm điện khí LNG

Tổng công ty Khí Việt Nam làm việc với tỉnh Nam Định thúc đẩy dự án Trung tâm điện khí LNG

(Thanh tra) - Vừa qua, Đoàn công tác Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) do đồng chí Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Nam Định nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG và trao quà an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.

PV

15:51 15/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm