4/7 công trình chưa hoàn thành

Trước những thiệt hại do thiên tai từ năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 210 tỷ đồng, theo các Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 23/10/2020, số 1815/QĐ-TTg ngày 15/11/2020, số 1913/QĐ-TTg ngày 24/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 9/4/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 804/QĐ-UBND tạm cấp kinh phí thực hiện khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ. Trong đó, giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (gọi tắt là Công ty) làm chủ đầu tư 7 dự án với tổng kinh phí trên 13,1 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành các công trình vào cuối tháng 12/2021.

Sau khi các công trình được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đến tháng 9/2021, Công ty đã tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công công trình.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2021, còn 4/7 công trình không thể thi công hoàn thành. Trong đó, gồm các công trình: Cầu máng trên kênh N3-10B tại K0+132; Kênh N1-11A; Kênh chính đoạn từ K7+472,44 - K7+850,13 (đều thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn) và sửa chữa kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Bàu Nhum.

Theo ông Lê Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Công ty đã tổ chức rà soát, tính toán khối lượng thực hiện trong năm 2021 và chọn điểm dừng kỹ thuật phù hợp, tổ chức nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện trong năm 2021 cho các nhà thầu theo quy định.

Dù năm 2021 đã hết thời hạn giải ngân nhưng một số công trình vẫn được tiếp tục thi công và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản với tổng số tiền là trên 5,3 tỷ đồng và giá trị chưa thực hiện là gần 2,4 tỷ đồng.

Công trình kênh chính đoạn từ K7+472,44 - K7+850,13 thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, đoạn qua Phường 1, thị xã Quảng Trị có chiều dài 16,7 km với chức năng dẫn nước tưới cho trên 13.870 ha lúa ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Năm 2020, do mưa lũ nên nhiều hạng mục trên kênh bị sạt lở mái, đáy kênh bị lật tung, lòng kênh bị bồi lấp dài khoảng 1km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dẫn nước tưới cho các địa phương. Vì vậy, công trình được bố trí số vốn gần 5,6 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa đoạn kênh có chiều dài 377,69 m. Đến cuối năm 2021, khối lượng xây lắp hoàn thành chỉ mới giải ngân được hơn 1,7 tỉ đồng với hạng mục tháo dỡ đáy kênh.

Theo ông Lê Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty, thời điểm thi công mưa lũ kéo dài, đường thi công lầy lội khiến phương tiện cơ giới không hoạt động thi công được. Đồng thời, đây là đoạn kênh đào trong điều kiện trời mưa liên tục, mực nước ngầm dâng cao nên việc đắp đê quai dẫn dòng gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Nguy cơ mất an toàn

Ngoài ra, công trình này đã phát sinh khối lượng với giá trị xây lắp thực hiện từ sau năm 2021 đến nay là trên 2,1 tỷ đồng. Lí giải về điều này, ông Trường cho biết, trong điều kiện hệ khung dầm bị hư hỏng của kênh cũ và mái đá hộc lát khan đã tháo dỡ toàn bộ, 50% tấm lát đáy kênh đã tháo dỡ, do đó mái kênh có xu hướng sạt lở gây bồi lấp lòng kênh, ảnh hưởng lớn đến việc dẫn nước phục vụ sản xuất.

Để đảm bảo ổn định mái kênh và phần chân khay bằng bê tông đã thi công, cần phải tiếp tục thi công hoàn thiện tối thiểu dầm bê tông cốt thép khóa đỉnh phần đá lát mái kênh, đảm bảo phần gia cố mái kênh cao hơn cột nước thường xuyên trong kênh nhằm hạn chế xói lở mái kênh.

Tương tự, công trình sửa chữa kênh chính hệ thống thủy lợi Bàu Nhum với tổng mức đầu tư là 2,5 tỷ đồng, giá trị xây lắp trong năm 2021 là trên 120,2 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị thực hiện xây lắp thực hiện sau năm 2021 là gần 1,87 tỷ đồng. Theo Công ty, công trình này đến tháng 12/2021 mực nước trong kênh chính mới hạ thấp, lúc đó đơn vị thi công mới bắt đầu triển khai. Để tránh vỡ bờ kênh trong mùa mưa lũ, đơn vị cho tiếp tục thi công hoàn thiện gia cố mái bờ kênh.

Dù đã thi công khi nguồn vốn bị thu hồi và chưa được gia hạn nhưng đến giờ này, vẫn còn nhiều công trình dở dang đe dọa đến an toàn, ổn định công trình cũng như hạn chế năng lực công trình. Trong đó, công trình cầu máng trên kênh N3-10B tại K0+132 thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn với phần gia cố mái taluy chưa thực hiện tiềm ẩn nguy cơ gây xói lở thượng hạ lưu cầu máng.

Công trình kênh chính đoạn K7+472,44 - K7+850,13 thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn tiềm ẩn nguy cơ gây xói lở mái kênh, gây bồi lấp lòng kênh. Đồng thời, bờ kênh chưa hoàn thiện tạo điều kiện cây cỏ mọc ảnh hưởng vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan đô thị và làm tăng độ nhám của lòng kênh, hạn chế năng lực tải nước của kênh.

Trước tình hình trên, Công ty đã có văn bản gửi các sở, ngành báo cáo UBND tỉnh đồng ý chủ trương hoàn thành 4 công trình nêu trên theo điểm dừng kỹ thuật đã được thi công hoàn thành. Đồng thời, giao Công ty phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm tháo gỡ, xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Từ đó, để tổ chức nghiệm thu thanh toán, kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao 4 công trình đưa vào khai thác sử dụng, quyết toán hạng mục công trình, tạo điều kiện đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư nhằm nâng cấp hoàn thiện 3 công trình theo quy mô giải pháp tổng thể, phát huy hiệu quả đầu tư. UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để chi trả khối lượng thực hiện chưa thanh toán với tổng kính phí trên 5,3 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, vào cuối năm 2023, trước những kiến nghị của Công ty, Sở Tài chính đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị, trong đó khẳng định: Các công trình sửa chữa khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt thời gian thực hiện năm 2021, nguồn vốn ngân sách Trung ương khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020. Khối lượng thực hiện phát sinh sau ngày 31/12/2021 không có chủ trương. Vì vậy, việc bố trí vốn cho các công trình trên là không có cơ sở.

Điều đó, đồng nghĩa với việc những công trình trên tiếp tục dở dang qua nhiều năm và đối mặt với nguy cơ xuống cấp, hư hỏng.

 

Minh Tân