Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn rườm rà, lắm đầu mối và tốn kém

Thứ ba, 01/12/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Dù đã được sửa đổi nhiều lần nhưng thủ tục cấp phép xây dựng vẫn “rườm rà, lắm đầu mối và tốn kém”. Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hội thảo công bố báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của DN” do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Thủ tục CPXD vẫn “rườm rà, lắm đầu mối và tốn kém”. Ảnh: Trần Quý

Mặc dù thủ tục cấp phép xây dựng (CPXD) đã được pháp luật quy định, tuy nhiên thực tế mỗi địa phương lại có những cách hiểu và thực thi khác nhau dẫn đến gây khó cho DN.

Đơn cử, tại Hà Nội, một DN muốn thực hiện dự án phải thông qua tuần tự từ Sở Quy hoạch Kiến trúc giới thiệu địa điểm, duyệt quy hoạch 1/500 rồi hồ sơ lại phải chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư  để lập dự án, đến Sở Tài nguyên và Môi trường để được giao đất và cuối cùng mới đến Sở Xây dựng để CPXD.

Có trường hợp DN triển khai một dự án có 42 căn nhà liền kề và một tòa nhà cao 9 tầng tại Hà Nội, khi hoàn thiện các thủ tục CPXD thì các quy định hiện tại khá trớ trêu, trong khi 42 căn nhà thấp tầng chỉ cần UBND cấp quận cấp phép thì tòa nhà 9 tầng lại phải lên tận Sở Xây dựng. Khi DN đưa hồ sơ lên Sở Xây dựng thì được hướng dẫn phải cắt ra còn 42 nhà thấp tầng đưa về cho quận cấp. Tuy nhiên khi DN tách ra rồi thì phía UBND quận lại bảo không được, phải đưa lên sở.

Không những vậy, tại mỗi sở, DN cũng phải thực hiện rất nhiều những thủ tục hành chính (TTHC) chưa nói đến thủ tục cấp nước, cấp điện, thoát nước... Rõ ràng, việc "ách tắc" của các dự án không chỉ đến từ thủ tục cấp phép mà còn đến từ các thủ tục liên thông.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, nguyên Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, làm DN rồi mới biết thời gian làm thủ tục CPXD dài vô tận. Đơn cử chỉ quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được tách ra làm 3 quy trình. Tất cả các công trình cấp I trên toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Đáng nói, sau khi đi một vòng thẩm định 2 quy trình trên thì chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin CPXD.

Chia sẻ của nhiều DN cho thấy, thủ tục CPXD còn liên quan đến các “giấy phép con” như: Tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy hoạch mặt bằng, đánh giá tác động môi trường…

Những "giấy phép con" đó phải đi theo quy trình, tuần tự chứ không được làm song song và phải tiếp xúc với nhiều cơ quan khác nhau như Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), Sở Tài nguyên và Môi trường… Thế nhưng, đến khâu thẩm định cuối cùng, dự án bị yêu cầu điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, tức là quay trở về với bước “chờ nộp”, thực hiện lại từ đầu.

Một số DN không chuyên về lĩnh vực bất động sản cũng chia sẻ, khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án nhà xưởng, các DN đã phải “choáng váng” vì hành trình xin giấy phép xây dựng dự án. Trường hợp của ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh khi tiến hành thủ tục thực hiện dự án mở rộng nhà xưởng sản xuất là một ví dụ. DN này đã phải gửi đơn cầu cứu UBND TP HCM vì quá nhiều thủ tục để được CPXD, nhiều lần phải làm lại hồ sơ và lỡ thời gian.

Báo cáo đánh giá nhanh về các TTHC liên ngành trong CPXD và các TTHC liên quan, do VCCI khảo sát trên khoảng 10.000 DN dân doanh và FDI (có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần đây) cho thấy, trong 13 TTHC liên quan đến xây dựng, các DN gặp khó khăn nhất là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Có 58,4% số DN gặp khó về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng; có 52,2% số DN gặp khó khăn về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Ngoài hai thủ tục đứng đầu về độ gây khó khăn trên, còn nhiều “nỗi sợ” khác mang tên TTHC liên quan đến xây dựng như phòng cháy chữa cháy; thanh tra, kiểm tra về xây dựng.

Các DN cho hay còn bị gây phiền hà trong quá trình xin CPXD. Khó do cán bộ giải quyết hồ sơ gây khó khăn, có thể ngâm hồ sơ, hành, hạch sách chiếm tới 53%, còn liên quan đến quy định của pháp luật chiếm trên 50% trong số DN tham gia khảo sát.

Cũng theo báo cáo, có 30% số DN thừa nhận đã phải trả loại chi phí không chính thức ở một số TTHC trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Về thời gian, để có một giấy phép xây dựng, trung bình DN phải đi lại 3 lần và phải chờ đợi trung bình là 25 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số DN cho biết phải đi lại tới 10 lần và chờ đợi tới 60 ngày, thậm chí tới 90 ngày mới hoàn tất việc xin giấy phép.

Theo ông Đực, một nghịch lý nữa trong Luật Xây dựng là tính thiết kế kỹ thuật trên giá thành xây dựng, đây là một quy định gây lãng phí vì dự án đội giá thành lên cao. “Nên chăng xem xét cho phép chủ đầu tư tư nhân được miễn khâu thẩm tra thiết kế kỹ thuật, còn chủ đầu tư quốc doanh thì cần thẩm tra kỹ khâu này, vì sử dụng vốn ngân sách” - ông Đực đề xuất.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam để giải quyết vấn đề này, cần sửa đồng bộ về cơ chế chính sách pháp luật, tiếp tục cải cách TTHC, công khai hóa quy hoạch được duyệt để DN và người dân dễ dàng tiếp cận đường đi của thủ tục CPXD.

Công khai quy hoạch dự án đầu tư trên cơ sở phân khu, minh bạch các vùng cấm xây dựng, việc thực hiện công khai đấu giá thực hiện dự án.

Theo ông Chiến, cần sớm ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm quản lý quá trình từ lúc đô thị hình thành, điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch.

Các DN kiến nghị, cần có cơ chế liên thông, liên ngành với công cụ giám sát, “minh bạch hóa” đường đi của hồ sơ CPXD và thủ tục liên quan để DN và người dân theo dõi và thực hiện.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Càng khó càng phải làm, và làm cho bằng được!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Càng khó càng phải làm, và làm cho bằng được!

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khi đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào thực tiễn. Theo ông Yên, đây sẽ là giải pháp mang tính đột phá để tháo gỡ những vướng mắc kéo dài, tạo cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, đồng thời giúp Đắk Nông vươn lên mạnh mẽ.

12:49 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm