Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tỉnh Bình Dương tiếp xúc với các doanh nghiệp thuộc đề án di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh

Chu Tuấn

Thứ bảy, 17/09/2022 - 10:32

(Thanh tra) – Việc di dời tới nơi mới với số lượng lớn các doanh nghiệp phải di dời sẽ khó có thể tuyển được lao động vì hiện tại công nhân đã ổn định chỗ ở; sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng… Đó là những băn khoăn, lo lắng của nhiều doanh nghiệp chịu tác động bởi Đề án chuyển đổi công năng di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bình Dương tiếp xúc với các doanh nghiệp thuộc đề án di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh. Ảnh: binhduong.gov.vn

Trong khuôn khổ hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp chịu tác động bởi Đề án chuyển đổi công năng di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra ngày 16/9, nhiều băn khoăn, lo lắng của các doanh nghiệp đã được chia sẻ cũng như nhiều đề nghị, kiến nghị đã được cộng đồng doanh nghiệp đã được gửi tới lãnh đạo, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

Tại hội nghị, thay mặt cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội da giày tỉnh Bình Dương, bà Trương Thị Thùy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ lo lắng, thực hiện việc di dời tới nơi mới với số lượng lớn các doanh nghiệp phải di dời sẽ khó có thể tuyển được lao động vì hiện tại, công nhân đã ổn định chỗ ở. Việc xáo trộn địa điểm sản xuất kinh doanh, những doanh nghiệp có tiềm lực sẽ tồn tại và ngược lại, một số doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sản xuất gỗ trên địa bàn TP Thuận An cũng chia sẻ, doanh nghiệp đã hoạt động được 25 năm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Khi triển khai đề án, doanh nghiệp rất lo lắng, việc di dời theo chủ trương của tỉnh có thể dẫn đến nguy cơ phá sản do công nhân đã ổn định nơi ăn, chốn ở, môi trường học tập của con công nhân…

Đại diện Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương cho rằng, khi di chuyển sang địa điểm mới, doanh nghiệp cũng khó có thể tuyển được lao động để ổn định sản xuất ngay được. Hơn nữa, các công ty đã đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian dài trên đất sản xuất hiện tại. Khi di chuyển vào chỗ mới, công ty phải mất tiền thuê đất…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất như: đề nghị, tỉnh cần dàn trải trên khoảng thời gian dài và khi ổn định quỹ đất công sẽ thực hiện việc di dời để các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai; đề nghị tỉnh chia sẻ và thấu hiểu cho khó khăn của doanh nghiệp để có chế độ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề nghị tỉnh phải có chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất cho doanh nghiệp; Ban Chỉ đạo tỉnh nên làm việc với từng hiệp hội để lấy ý kiến của các doanh nghiệp một cách cụ thể và thông tin chi tiết cho doanh nghiệp về các khu vực chuyển đến cho phù hợp với chủ trương của tỉnh. Nếu không các doanh nghiệp sẽ chuyển qua tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, thành khác, lúc đó sẽ khó "giữ chân" được doanh nghiệp ở lại Bình Dương…

Theo đề án, từ 01/2022- 12/2023, sẽ thực hiện các công tác chuẩn bị của tỉnh để triển khai Đề án, tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án. Ảnh minh họa: CT

Trao đổi với các doanh nghiệp tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, Sở sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp để bố trí quỹ đất thích hợp cho các đối tượng di dời của Đề án; tham mưu ban hành tiêu chí xét doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải di dời; tiêu chí xét doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chuyển đổi công năng; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, trong đó đặc biệt chú trọng kế hoạch ưu tiên xây dựng 1 cụm công nghiệp mẫu điển hình để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời doanh nghiệp, trước khi triển khai đại trà.

Còn đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tỉnh có chủ trương di dời phát triển công nghiệp về phía Bắc của tỉnh cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Hiện tại, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng đang được tỉnh triển khai xây dựng, đặc biệt là đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 có thể đáp ứng được nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp.

đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị tỉnh cần tổ chức nhiều buổi gặp gỡ để lấy ý kiến của doanh nghiệp; đồng thời thông tin rộng rãi các chính sách của tỉnh đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng để doanh nghiệp an tâm…

Liên quan tới vấn đề cung ứng lao động, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh sẽ tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh hỗ trợ người lao động về tiền thuê nhà, chú trọng đặc biệt vào lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động. Bên cạnh đó nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các loại phí, lệ phí. Các ngành cũng sẽ tăng cường đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động tiếp cận các khóa đào tạo nghề...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành chia sẻ, đồng cảm với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của tỉnh nhằm thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, do đó rất mong các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Tỉnh sẽ lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp để ban hành các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện việc di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đề án, từ 7/2023 - 12/2023, sẽ ban hành danh sách sơ bộ các đối tượng phải chuyển đổi công năng, di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung, bắt đầu triển khai giai đoạn thử nghiệm tại TP.Thuận An.  Ảnh minh họa: CT

Ngày 31/10/2019, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3210/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương".

 Theo Đề án, lộ trình thực hiện tại các địa phương: TP.Thuận An từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2028; TP.Dĩ An từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2030; TP.Thủ Dầu Một từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2030; TX.Tân Uyên từ tháng 01/2024 đến 12/2029; TX.Bến Cát từ tháng 01/2024 đến 12/2030. Đề án xác định 04 tiêu chí để đánh giá mức độ của các doanh nghiệp gồm: Công tác bảo vệ môi trường; phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt và còn hiệu lực; ngành nghề sản xuất (hóa chất cơ bản; phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật; tái chế, kinh doanh phế liệu; xử lý, tái chế chất thải; dệt nhuộm; thuộc da; công nghiệp luyện thép, luyện kim, gia công xi mạ; sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô và giấy phế liệu; chế biến gỗ; chế biến mủ cao su thiên nhiên; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp; giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất sơn; dệt may; da giày; chế biến gỗ; gốm sứ vật liệu xây dựng); ý thức chấp hành quy định của pháp luật.

 Đề án phân thành 04 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, từ 01/2022- 12/2023: Thực hiện các công tác chuẩn bị của tỉnh để triển khai Đề án, tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án. Từ 7/2023 - 12/2023: Ban hành danh sách sơ bộ các đối tượng phải chuyển đổi công năng, di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung, bắt đầu triển khai giai đoạn thử nghiệm tại TP.Thuận An. Từ tháng 01/2024 – 12/2024: Tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án, rút kinh nghiệm triển khai Đề án tại TP.Thuận An để triển khai việc chuyển đổi công năng, di dời tại các địa phương khác. Từ 01/2025 – 12/2027: Tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án, triển khai việc chuyển đổi công năng, di dời tại các địa phương khác. Từ 01/2028 – 12/2030: Tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung của Đề án, thực hiện việc cưỡng chế di dời, chuyển đổi công năng đối với doanh nghiệp có thái độ chây ì, kéo dài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm