Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 28/01/2011 - 20:22
(Thanh tra)- Hai tháng lương đầu tiên của Sùng A Chư, con trai ông Tủa được 14.738.000 đồng. Đây là số tiền lớn mà trước đây trong mơ người đàn ông dân tộc này cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Bà con huyện nghèo vui mừng khi cầm tháng lương đầu tiên người thân gửi về
Tết này có tiền tậu trâu, sửa nhà
“Nhà nghèo lắm, 1 năm thì 6 tháng hết thóc phải đi mua. Nhà nước cho 1 con bò rồi, số tiền này sẽ mua thêm 1 con trâu nữa may ra mới làm ra đủ thóc để ăn”, ông Sùng Pàng Tủa, xã Dế Xu Phìng, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, vui mừng nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui khi cầm trên tay 2 tháng lương đầu tiên của cậu con trai đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Libi gửi về…
Cùng chung niềm vui với ông Tủa còn có 5 gia đình khác ở huyện Mù Căng Chải và 4 gia đình ở huyện Trạm Tấu được nhận 2 tháng lương đầu tiên của con em mình đang làm việc ở Libi do đại diện Cty Cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex trao tận tay.
Cũng như ông Tủa, ông Thào A Trở quyết định dùng 14.387.000 đồng tiền lương của cậu con trai Thào A Xay mua 1 con trâu. “Từ ngày nó đi gọi điện về nhà mấy lần rồi. Lúc đầu thì bảo làm công việc vệ sinh nhà, sau thì xây nhà. Thời gian đầu không hợp khí hậu bị ốm, nhưng giờ thì quen rồi. Tiền lương này, tao mua con trâu để sau này khi đi XKLĐ về nó có cái mà làm ăn”, ông Trở nói. Còn bà Mùa Thị Pàng ở bản Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải nhận được 14.535.000 đồng của cậu con trai Hảng A Dê lại quyết định dành 12 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, còn hơn 2 triệu đồng sẽ sửa nhà.
Tại huyện vùng cao Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, hàng chục gia đình nghèo người Tày, Nùng… ở các xã An Lạc, Hữu Sản, Văn Sơn, Lệ Viện cũng đã nhận được lương do người thân gửi về từ Libi qua Cty Sona… Chị Nông Thị Hồng, thôn Giàn 3, xã Hữu Sản, không giấu nổi niềm vui khi nhận được tiền lương của chồng. Anh Vi Văn Hanh, chồng chị Hồng được Cty Sona đưa đi XKLĐ ở Libi theo diện hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.
Hiện nay, mỗi tháng anh Hanh nhận số tiền lương gần 12 triệu đồng. Bà Triệu Thị Hải, thôn La Him, xã Văn Sơn cũng vừa nhận gần 9 triệu đồng tiền lương của con trai Triệu Tiến Thành từ Libi gửi về. Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Cty Sona cho biết, hiện trên địa bàn huyện Sơn Động có hơn 50 lao động do Cty đưa đi đang làm việc tại Libi với mức lương khá ổn định, từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng…
Bà con tin rồi sẽ theo
Anh Lê Thanh, Trưởng Phòng Nguồn nhân lực và đào tạo của Cty Cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex cho biết, muốn đồng bào dân tộc thay đổi tập quán từ ngàn đời nay để bước chân ra khỏi bản hoàn toàn không đơn giản. Những cán bộ đi tuyển người phải trở thành những “nhà thương thuyết” với đầy đủ kỹ năng để thuyết phục bà con. “Không chỉ người lao động, chúng tôi phải về thuyết phục cả bố, mẹ, vợ, thậm chí cả dòng họ của người đó. Không biết tiếng thì phải thuê phiên dịch. Trước hết phải tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao họ không đồng ý đi, rồi giúp họ tháo gỡ tất cả những vấn đề khó khăn cho đến khi cả gia đình thông suốt thì mình mới thành công”…
Chung nỗi vất vả với doanh nghiệp (DN) là sự vào cuộc hết mình của chính quyền các địa phương. Những người làm công tác XKLĐ tại các huyện nghèo, xã nghèo vừa là người dẫn đường, vừa là phiên dịch, là những cộng sự đắc lực của DN dù nhiều người trong số họ không nhận được bất cứ khoản bồi dưỡng nào. Trực tiếp làm công tác XKLĐ của huyện, chị Nguyễn Thị Minh Huệ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) của huyện Mù Căng Chải có thể nhớ tên hầu hết những lao động của huyện đã xuất cảnh. Chị Huệ cho biết, người lao động đăng ký đi XKLĐ không chỉ được hưởng mọi chế độ theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà thậm chí còn được hỗ trợ thêm từ phía Cty, cơ quan chuyên môn của huyện để đi lại từ gia đình về huyện làm các thủ tục ban đầu.
Ông Trịnh Quang Chinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết, đặc thù của huyện nghèo tại Lào Cai là có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số thanh niên đều muốn lao động tại quê nhà, dù có vất vả hơn. Vì thế, để thay đổi nhận thức, khuyến khích họ đến nơi xa làm việc gặp rất nhiều khó khăn. Để làm được việc này, các cấp chính quyền tập trung vào tuyên truyền mềm dẻo và linh hoạt. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đơn giản hoá thủ tục hành chính như: Làm giấy chứng minh nhân dân, xác minh hộ khẩu, thành lập tổ cho vay vốn và khám sức khoẻ lưu động...
Đến nay, Lào Cai có gần 160 người chính thức đi lao động ở nước ngoài. Con số này tuy chưa phải là nhiều, nhưng theo ông Trịnh Quang Chinh, chính sách này đã đi vào cuộc sống tại Lào Cai và đã được đồng bào đón nhận tích cực. “Điều lớn nhất chưa phải đi nhiều hay ít mà là nhận thức của đồng bào đã chuyển biến và hiểu rằng đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo”, ông Chinh khẳng định.
“Đi lại tốn kém như thế, trong khi bất cứ DN nào cũng đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Vậy, điều gì khiến Cty vẫn tiếp tục theo đuổi lao động tại các huyện nghèo?” - Chúng tôi đặt câu hỏi này với Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex Nguyễn Văn Hiệp thì nhận được một câu trả lời không chút đắn đo: “Đây là chương trình của Chính phủ. Cty chúng tôi được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) giao trách nhiệm nên không chỉ làm vì lợi ích kinh tế mà còn xem là nhiệm vụ chính trị. Vả lại, trong giai đoạn thí điểm, người dân chưa hiểu, chưa tin, nên cả DN cũng như chính quyền địa phương đều phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nếu làm hiệu quả, người dân sẽ hiểu ra. Khi đó, DN sẽ nhàn hơn và về lâu dài, tôi tin rằng chương trình sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả cho DN và người lao động”…
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau hơn 1 năm tích cực triển khai, Quyết định 71/2009/QĐ-TTg đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả bước đầu. Đến nay, đã có hàng ngàn lao động ở các huyện nghèo được hỗ trợ về vốn và kinh phí đào tạo, làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài với nguồn thu nhập khá và ổn định. Đây là tiền đề để bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững khi trở về nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đòi hỏi sự quan tâm tháo gỡ của các ngành chức năng, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của chính quyền các địa phương cũng như sự nỗ lực tự thân vươn lên vượt khó của các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Có như vậy Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng mới ngày càng phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Hà Linh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Hải Hà
22:38 12/12/2024(Thanh tra) - Không những hỗ trợ giao dịch tài chính - ngân hàng, VietinBank iPay Mobile còn mang tới nhiều trải nghiệm thanh toán số “all-in-one” từ A-Z, cùng với nhiều ưu đãi và quà thưởng vô cùng hấp dẫn dịp cuối năm, nổi bật nhất là cơ hội sở hữu iPhone 16.
Theo VietinBank
21:25 12/12/2024Theo VietinBank
21:23 12/12/2024Thu Hương
21:23 12/12/2024Hồng Vân
21:08 12/12/2024TC
20:44 12/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải