Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quan tâm đầu tư các dự án dang dở

Thứ ba, 21/05/2013 - 13:52

(Thanh tra)- Thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng, phân bổ và giải ngân nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 905/1.609 phòng học được đầu tư xây mới, trong đó có 816 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Ninh Bình đã được đầu tư xây mới khang trang

Ngày 6/10/2008, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án số 23/ĐA-UBND về kiên cố hóa trường lớp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2012 với quy mô 1.609 phòng học, tổng mức đầu tư 504.609 triệu đồng.

5 năm qua, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng lại 905/1.609 phòng học cần xây dựng lại của cả giai đoạn, tổng mức đầu tư là 408.793 triệu đồng, trong đó, vốn từ TPCP là 139.403 triệu đồng, ngân sách địa phương là 265.762 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn huy động khác.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết: Hàng năm, ngay sau khi nhận được vốn từ T.Ư, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, dựa trên nguyên tắc ưu tiên đầu tư trước cho các phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là cấp mầm non và tiểu học. Ban Chỉ đạo Đề án cũng đã ban hành các văn bản thông báo cấp vốn, hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư về việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn và thanh quyết toán vốn được cấp bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ theo quy định của Đề án. Bên cạnh đó, kết hợp với các nguồn kinh phí khác để xây dựng trường đạt chuẩn.

Do thiếu vốn, nhiều trường đang xây dựng dở dang


Trong giai đoạn 2008 - 2012, trên địa bàn toàn tỉnh, không có dự án nào thuộc Đề án sử dụng nguồn vốn không đúng theo danh mục đã được duyệt. 100% nguồn vốn được sử dụng hợp lý, đúng mục đích, không bị lãng phí, thất thoát. Đến nay, toàn tỉnh đã có 543/816 phòng học hoàn thành đã quyết toán công trình theo đúng quy định.

Tỉnh Ninh Bình thường xuyên chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát, thẩm định, thẩm tra quyết toán và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành các công trình. Thực hiện tốt vốn đối ứng với các công trình đã triển khai, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn để bảo đảm tiến độ thi công các công trình đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án, tỉnh Ninh Bình cũng gặp không ít khó khăn. Do lạm phát, giá cả thị trường tăng cao dẫn đến nhu cầu kinh phí cần có để đầu tư xây dựng lại số phòng học theo kế hoạch của Đề án tăng lên.

Tính đến thời điểm tháng 12/2011, suất đầu tư thực tế bình quân cho một phòng học đã tăng 287% so với suất đầu tư theo tính toán ban đầu tại thời điểm tháng 4/2008 của Chính phủ. Bình quân mỗi phòng học theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 157 triệu đồng/phòng học. Hiện nay, mức đầu tư tăng lên khoảng 500 triệu đồng/phòng học. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ vốn TPCP vẫn chỉ được duyệt cấp bằng 55% suất đầu tư tính toán ban đầu. Chính vì vậy, trong quá trình thi công các dự án, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí đối ứng để xây dựng các công trình. Do đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 704/1.609 phòng học nằm trong Đề án nhưng chưa được đầu tư xây dựng, 89/905 phòng học đang xây dựng dở dang. Một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư vẫn còn nợ đọng vốn nhà thầu…

Theo ông Lê Văn Dung, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đề nghị với Chính phủ cho triển khai tiếp giai đoạn II của Đề án. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục huy động thêm nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng, hoàn thành số phòng học còn dở dang. Trước mắt, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư cho các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình làm chủ đầu tư nhưng chưa hoàn thành. Đồng thời, tập trung khảo sát lập danh sách những phòng học cần được xây mới trong giai đoạn 2013 - 2015 để cân đối lập dự toán xin hỗ trợ vốn từ T.Ư.

Nguyễn Trường

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm