Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng

Chủ nhật, 22/01/2012 - 14:04

(Thanh tra)- Đón năm mới, nền kinh tế Việt Nam có thêm nhiều khởi sắc: Lạm phát cơ bản được kiềm chế, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội… Cùng với đó, các nhà tài trợ quốc tế cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam để “thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo” trong năm 2012. Dù nguồn tài trợ chưa bằng so với năm ngoái, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước diễn biến có nhiều khó khăn thì sự tài trợ đó không chỉ tính bằng tiền, mà lớn hơn là lòng tin và sự kỳ vọng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012

Xây dựng niềm tin

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, hầu hết các nhà tài trợ lớn đều gặp khó khăn. Riêng Nhật Bản, trong năm qua cùng một lúc nền kinh tế bị thiệt hại “kép” do động đất, sóng thần và sự cố của nhà máy điện hạt nhân gây tổn thất hàng chục tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp (DN) của nước này đang làm ăn ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam phải tạm dừng mở rộng đầu tư quy mô sản xuất do công ty mẹ trong nước đang lo khắc phục “sự cố”. Thế nhưng, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Nhật Bản vẫn cam kết hỗ trợ cho Việt Nam gần 1,8 tỷ USD vốn ODA, chiếm tỷ lệ cao nhất trong gói hỗ trợ gần 7,4 tỷ USD vốn ODA của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam trong năm 2012.

Ngoài ra, trong năm qua những chuyến đi ngoại giao của các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhiều nước cũng đã cam kết những gói tài trợ cho các chương trình mục tiêu của nước ta, trong đó Nga cam kết hỗ trợ nhiều tỷ USD cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam… Như vậy, trong khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, sự ưu tiên của các đối tác phát triển cũng phải giảm đi thì những cam kết có được của bạn bè các nước là điều đáng trân trọng.

Có thể tự hào rằng, có được sự quan tâm và lòng tin đó của bạn bè các nước là những nỗ lực không ngừng nâng cao địa vị, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã đưa đất nước ta từ nghèo đói, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, nâng vị thế nước ta lên tầm cao mới trên con đường hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Nhiều măt hàng nông sản, trong đó gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn chỉ đứng sau Thái Lan về lượng, đóng góp quan trọng vào nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thế giới và an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh nguy cơ biến đổi khí hậu đang đe dọa không trừ một quốc gia nào.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (ngày 6/12/2011)


Điểm nhấn “thời sự” nóng bỏng nhất trong năm 2011 được nhiều lãnh đạo các nước và các nhà tư vấn tài trợ đánh giá cao là sự thành công bước đầu của Việt Nam về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Bởi, ngay sau khi trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, Việt Nam lại phải đương đầu với nhiều thách thức khó khăn của “bão” lạm phát đến từ cả nguyên nhân bên ngoài và bên trong của nền kinh tế. Không ít chuyên gia lo ngại và dự báo, cứ với đà tăng vùn vụt của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng đầu năm, thì lạm phát cả năm sẽ lên đến con số kỷ lục, kéo theo nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Kết quả đã nằm ngoài dự đoán khi kết thúc năm 2011, nền kinh tế đã đạt được những thành công như GDP ước tăng 5,89%. Đây cũng là năm đầu tiên kéo giảm được bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP, nhập siêu giảm đáng kể và ở mức 10% kim ngạch xuất khẩu (dự kiến trước đó là 18%)… Sự thành công này là cơ sở để các nhà tài trợ tin tưởng và kỳ vọng: Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng.

Thúc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo

Dù rằng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm “nắn” kinh tế đi đúng với “quỹ đạo”, khi đã nhận thấy rõ tác hại từ những khuyết tật, yếu kém nội tại của nền kinh tế nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Chẳng hạn, với bội chi, mặc dù lần đầu đã kéo giảm được xuống mức 5% GDP, nhưng bội chi ngân sách đã kéo dài liên tục trong nhiều năm qua chưa có xu hướng cân bằng (năm 2011 đã chi vượt dự toán là 9,7%, tương đương 70.400 tỷ đồng). Đương nhiên, để bù đắp bội chi ngân sách, Chính phủ phải phát hành trái phiếu để huy động vốn và trở thành đối thủ cạnh tranh của chính các DN - đối tượng nộp tiền cho Nhà nước, khiến lãi suất bị đẩy lên cao. DN đã khó khăn lại càng khó khăn thêm, nhiều DN đã ngừng hoạt động và thất nghiệp gia tăng. Đồng vốn đầu tư công Nhà nước bỏ ra lớn nhưng hiệu quả mang lại thấp do những người trực tiếp quản lý, sử dụng vốn thiếu trách nhiệm làm thất thoát, lãng phí, tham nhũng… Vấn đề ở đây có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, bất cập, chồng chéo… đã tạo ra nhiều “lỗ hổng” thiếu công khai, minh bạch, công bằng, nặng “xin - cho”, lợi ích nhóm. DN Nhà nước, địa phương được phân cấp mạnh, có nhiều “quyền” nhưng lại thiếu trách nhiệm với Nhà nước và người dân.

Cũng chính từ sự bất cập về quy hoạch, phân bổ nguồn lực, tài chính kéo dài từ nhiều năm nay nên Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức của sự chuyển dịch cơ cấu dân số, với một lượng lớn lao động nông thôn trẻ không có trình độ tay nghề bước vào thị trường lao động để tìm kiếm việc làm. Đồng thời, một bộ phận dân số đang già đi nhanh chóng, đòi hỏi phải có các dịch vụ và hỗ trợ xã hội. Người nghèo không chỉ khổ vì thu nhập thấp mà đối tượng này còn chịu nhiều thiếu thốn liên quan đến y tế, giáo dục và tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, các đối tượng thành phần trong xã hội ngày một gia tăng…

Dù nợ nước ngoài hiện ở mức trên 42% GDP và được công bố an toàn trong vòng kiểm soát, nhưng những khuyết tật, bất ổn bên trong nội tại nền kinh tế là nỗi lo trả nợ trong tương lai. Trong khi đó, tổng đầu tư xã hội vẫn phải tăng lên do nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nợ công ở mức cao hiện nay, việc tiết giảm đầu tư công từ ngân sách và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn vốn là quốc sách. Bởi vậy, trước Quốc hội, cũng như trước các nhà tài trợ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Tăng cường quản lý vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trân trọng từng đồng vốn vay, vốn tài trợ nước ngoài, siết chặt hơn về yêu cầu bố trí vốn tập trung, không dàn trải để mỗi đồng vốn bỏ ra đều phải mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Muốn vậy, phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trước hết là tập trung vào 3 lĩnh vực là tái cơ cấu DN Nhà nước, đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Cả 3 nội dung này được thực hiện đồng bộ cùng với chính sách tài khóa đúng đắn. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển thêm nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào các công trình giao thông và đô thị lớn.

Đây không chỉ là lời hứa mà còn là quyết tâm của Chính phủ với nhân dân và các nhà tài trợ. Hy vọng rằng năm mới, sẽ gặt hái được những thành công mới.


Anh Thái

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm