Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam
Thứ tư, 24/04/2024 - 21:19
(Thanh tra) - Thương mại điện tử là một trong những nền tảng ứng dụng hiệu quả, thuận tiện, giúp kết nối tiêu thụ nông sản nhanh chóng, rộng rãi, không bị giới hạn về thời gian, không gian và khoảng cách địa lý. Vì thế, cần phải tập trung giúp cho bà con nông dân làm quen và trở nên thân thuộc với môi trường ứng dụng số.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: TTM
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được tổ chức vào ngày 24/4.
Từ những ý tưởng gần gũi, thiết thực với người nông dân
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, các giải pháp đa kênh, đa dạng, đa tương tác về tri thức hóa nông dân chưa được quan tâm rộng rãi, trong đó có vấn đề chuyển đổi số. Để kết nối nhanh và hiệu quả, Bộ NN&PTNT khuyến khích bà con nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn tham gia vào các mô hình hội quán nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và nâng cao năng lực hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác… kết hợp với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ NN&PTNT đã mời các doanh nghiệp đại diện các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội trực tiếp đến để hướng dẫn, chia sẻ, kết nối các tiện ích giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và đồng hành cùng bà con nông dân, đưa thị trường về đến tận vườn cây, thửa ruộng của bà con. Có thể kể đến những mô hình kết nối nông sản đang đạt được những thành công bước đầu như: Cây xoài nhà tôi (Đồng Tháp), cây vải vườn nhà (Bắc Giang)… du khách, người mua có thể chăm sóc, thu hoạch trực tuyến, từ xa thông qua quét mã QR; hay hoạt động của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức hướng dẫn cách thức livestreams giới thiệu các mặt hàng nông sản, các sản phẩm OCOP rất hiệu quả trong thời gian qua - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận.
Ngoài ra, từ việc tham khảo cách đào tạo mỗi người dân trở thành một người sáng tạo nội dung của Thái Lan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là một gợi ý sáng tạo để Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất một chương trình tổng thể hơn đó là mỗi người nông dân, mỗi hộ gia đình ở nông thôn cũng tham gia sáng tạo nội dung trên nền tảng số xoay quanh các sản phẩm nông sản, chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cảnh sắc làng quê, làng nghề, nếp sống truyền thống văn hóa làng quê Việt Nam; cách thức chế biến những món ăn đậm chất dân dã đồng quê.
Đến mô hình xây dựng dữ liệu mở tại Đồng Tháp
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 5/2023, địa phương đã phát triển và vận hành thử nghiệm nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tại địa chỉ VDAPES.COM, kết hợp ứng dụng di động giúp số hoá dữ liệu ngành nông nghiệp, quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số dựa trên nền tảng thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn hướng đến tự động hoá trong thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc các phân hệ: Lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, quản lý chất lượng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.
Sau gần 1 năm thử nghiệm, nền tảng mở này có thể đồng bộ với các phần mềm liên quan khi cần. Không tạo sự độc quyền cung cấp và có thể nâng cấp theo nhu cầu vận hành thực tế. Đến nay, tổng số lượng tài khoản truy cập vào nền tảng dữ liệu VDAPES là 6.000 tài khoản (với gần 100.000 lượt truy cập để xem thông tin). 100% diện tích/số liệu thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đều được cập nhật, theo dõi thường xuyên, định kỳ theo phân cấp của từng đơn vị, từng cấp, từng lĩnh vực.
Năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục bố trí nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng thiết bị cho công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp để mở rộng đầu tư thêm 23 hệ thống giám sát côn trùng thông minh; 36 trạm giám sát và cảnh báo lũ; 36 hệ thống camera giám sát chu kỳ sinh trưởng của cây trồng; 100 điểm đo nhiệt độ và độ ẩm đất tự động… nhằm xây dựng mạng lưới giám sát tự động, nhanh chóng, có độ chính xác cao, bởi đây chính là những yếu tố dẫn dắt công nghệ tỉnh nhà trong tiến trình chuyển đổi số.
Thông qua quá trình triển khai thí điểm về chuyển đổi số, cùng với việc phát triển nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp đã số hoá quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có một hệ sinh thái số nông nghiệp đang dần hình thành
Nhận định về những hạn chế, thách thức trong quản lý nông nghiệp hiện nay ở nước ta, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, còn có nhiều điểm nghẽn. Ở Việt Nam, hầu hết các hộ sản xuất nông nghiệp có mô hình nhỏ lẻ, đầu vào thì giá cao chưa tối ưu - đầu ra thì bán sản phẩm nhỏ nên dễ bị ép giá. Trong khi đó, đa số các hợp tác xã thì chưa có khả năng điều hành, dẫn đến việc canh tác, đưa ra chất lượng nông sản chưa đồng đều, chưa đạt yêu cầu; các doanh nghiệp thì lại gặp vấn đề về chất lượng nông sản từ các nông hộ, các hợp tác xã không đảm bảo, hầu hết phát triển chuỗi cung ứng là theo đường tiểu ngạch và không có cam kết.
Nhận thấy thách thức, cơ hội của ngành nông nghiệp trong việc tiếp cận chuyển đổi số, VNPT đang đặt nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên đáng để đầu tư, phát triển, cần tiếp cận để giải quyết vấn đề một cách toàn diện cho tất cả các bên tham gia vào hệ sinh thái gồm nhóm của những người nông dân, nông hộ, hợp tác xã; nhóm kinh doanh là các doanh nghiệp tiêu thụ, thương mại, thanh toán; nhóm nghiên cứu là các nhà khoa học, các viện, các trường và đặc biệt là nhóm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở các ban ngành, địa phương.
VNPT đang dần hoàn thiện hệ sinh thái, số hóa, liên kết theo chuỗi các giá trị nông sản, quản lý từ đầu vào, từ vùng sản xuất, từ chương trình nông dân số, hợp tác xã số và hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống sản xuất minh bạch và đảm bảo chất lượng, từ đó tạo ra một nền tảng thương mại điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản.
Trong hệ sinh thái nông nghiệp số do VNPT thiết kế, người nông dân, hộ sản xuất, hợp tác xã khi tham gia vào sẽ được tiếp cận đầy đủ thông tin, tri thức về ngành, lĩnh vực mà mình quan tâm, đâu là thị trường sẽ tiêu thụ sản phẩm của mình; các doanh nghiệp thì sẽ có thông tin để liên thông với người nông dân để có thể hợp tác minh bạch trong hệ thống số.
Hệ sinh thái số nông nghiệp là một mảng chuyển đổi số quan trọng mà tập đoàn VNPT đã theo đuổi trong nhiều năm qua, với mong muốn là mang đến 1 hạ tầng một hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và những cơ quan quản lý Nhà nước trong chuyển đổi số quốc gia - Tổng Giám đốc VNPT khẳng định
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Ba nhà” ở đây là Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp trong nước đã cùng chịu thiệt suốt 10 năm qua khi phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật thuế 71.
(Thanh tra) - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, đơn vị này đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai một số sản phẩm, công cụ phục vụ quản lý thuế, trong đó có ứng dụng hoàn thuế thuế thu nhập cá nhân tự động.
Uyên Uyên
11:31 23/11/2024Hương Giang
09:06 23/11/2024Uyên Uyên
22:33 22/11/2024Hoàng Nam
22:03 22/11/2024Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu
Đức Anh
Văn Thanh
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Minh Thắng