Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 23/01/2012 - 14:18
(Thanh tra)- "Làng anh rặt thợ kim hoàn/ Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay…". Cho đến giờ, chẳng mấy ai còn nhớ rằng câu ca dao ngọt ngào đó từng gắn với làng Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), nhắc nhớ về nghề đậu bạc danh tiếng một thuở.
Những người thợ kim hoàn của làng Định Công hôm nay
Một thuở còn vương...
Theo quan niệm xa xưa, bạc là hiện thân của ánh trăng, còn vàng là hóa thân của tia nắng mặt trời. Khi cầm trên tay những sợi bạc nhỏ, ta như cảm nhận được độ dịu của ánh trăng đêm rằm, vẻ tinh khiết và trong trẻo của ánh sáng. Trong nghề kim hoàn, chế tác bạc chia làm 3 trường phái: Trơn, chạm, đậu. Trong đó, đậu tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào đồ trang sức, nó tạo vẻ đẹp hài hòa, tinh tế, mảnh mai mà không yếu ớt…
Thuyết xưa kể lại, vào thời vua Lý Nam Đế có 3 anh em Trần Hoà, Trần Điện, Trần Điển sinh sống tại làng cổ Định Công. Tình cờ học được nghề kim hoàn trong thời gian chạy loạn, 3 người đã truyền dạy nghề cho người dân trong làng, làm nên tiếng tăm sản phẩm vàng bạc Định Công. Do nằm sát kinh thành Thăng Long, dân làng cùng nhau ra làm ăn ở phường Đông Các (phố Hàng Bạc ngày nay). Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam cũng cho rằng, Định Công chính là cái nôi của nghề vàng bạc Việt Nam. Đền thờ Tổ nghề ở làng Định Công đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994. Cứ vào 12/2 âm lịch hàng năm, những người thợ kim hoàn Định Công ở mọi miền lại tụ họp về thắp nén hương thơm thành kính dâng tổ nghề, mong ước nghệ thuật có vẻ “vương giả” dù chẳng kém nhọc nhằn này sẽ tiếp tục truyền mãi cho con cháu đời sau.
Làng Định Công xưa có 3 thôn: Thôn Thượng, thôn Trại và thôn Hạ, nhưng các họ theo nghề đều ở thôn Thượng. Họ Quách chuyên về đậu bạc; họ Trần, Mai chuyên làm vàng. Tuy nhiên, đến nay nghề vàng đã mai một, còn nghề đậu bạc thì vẫn duy trì với gia đình 2 nghệ nhân Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu.
Quách Phan Tuấn Anh, con trai nghệ nhân Quách Văn Trường cho biết: Đậu bạc có đặc trưng là hoàn toàn làm thủ công, máy móc không thể thay thế. Bạc làm khung phải đạt 95% để tăng độ cứng, bóng cho sản phẩm. Còn bạc kéo sợi phải là bạc nguyên chất 100% thì mới rút được thành những sợi chỉ mỏng đến 0,3mm, rồi xoắn kép thành sợi chỉ se. Từ những sợi chỉ se này sẽ được sử dụng tạo thành các hoa văn, họa tiết những bông hoa, cánh lá nhỏ xíu, những đường nét xoắn xuýt như mây trời bám quanh xương bạc, hình thành những bề mặt đầy chất thơ mộng... Kỹ thuật đậu cũng làm ra những hạt bạc nhỏ li ti rồi dùng vẩy hàn gắn kết lại với nhau thành các vật phẩm. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không được lộ ra mối hàn. Tinh tế là thế nên ngày xưa, sản phẩm đậu bạc, đậu vàng thường được thể hiện ở các món đồ trang sức nhỏ như đôi hoa tai, nhẫn, trâm cài, những hình rồng, phượng bay bổng, uy nghiêm trên trang phục, mũ miện của vua chúa mà “báu vật hoàng cung” - chiếc mũ đại triều thời Nguyễn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một ví dụ...
Phục hưng nghề cổ
Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50 - 60% gia đình theo nghề kim hoàn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, làng đậu bạc Định Công đối mặt với khó khăn chồng chất khi sản phẩm làm ra tiêu thụ khó, tiền công thấp khiến nhiều người chuyển sang nghề khác. Nghề đậu bạc Định Công vì thế dần đi vào quên lãng, cả làng chỉ còn lại ông Quách Văn Trường và người cháu họ Quách Văn Hiểu là vẫn còn chung thủy giữ nghề bằng những đơn hàng nhỏ giọt...
Để giữ được chỗ đứng cho đậu bạc, nghệ nhân Quách Văn Trường quyết định không dừng lại ở mặt hàng đồ trang sức, vật trang trí nhỏ truyền thống mà tạo một bước tiến với các sản phẩm có tính ứng dụng kích cỡ lớn hơn, tất nhiên cũng kỳ công hơn như hộp đựng đồ trang sức, các loại khay, đĩa mỹ nghệ... gửi trưng bày tại số 80 Hàng Gai, quận Hòan Kiếm, Hà Nội. Nghệ thuật độc đáo từ những sợi bạc khiến rất nhiều du khách nước ngoài ghé qua thích thú. Nghề đậu bạc tiếp tục được giữ lửa khi thế hệ tiếp theo trong 2 gia đình họ Quách cũng bắt đầu hướng niềm say mê với nghề truyền thống của ông cha.
Quách Phan Tuấn Anh, chàng trai sinh năm 1981, từng cầm trong tay 2 bằng đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Luật của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng lại quyết tâm tìm lại từng dấu mốc thời hoàng kim và cả thăng trầm của làng nghề đậu bạc Định Công.
Tuấn Anh chia sẻ, dù từ nhỏ đã được tiếp xúc với công việc của một người thợ kim hoàn, thế nhưng, mãi đến khi vào năm cuối đại học anh mới nhận ra giá trị của nghề truyền thống này. Đó là từ một lần có khách đến đặt hàng hơn một nghìn sản phẩm, không có nhân công nên cha anh đã từ chối. "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, trong khi một số nghề truyền thống bị mai một vì sản phẩm làm ra không được chuộng thì nghề đậu bạc lại có cầu nhưng chưa đủ cung...". Bởi vậy, Tuấn Anh đã quyết định theo cha nối nghiệp. Hai cha con cùng nhau sáng tạo ra nhiều sản phẩm mẫu mã phong phú hơn và kích cỡ mang tính “đột phá” của nghề đậu bạc. Bộ sản phẩm trống bạc đậu (1 trống cái và 4 trống con) của gia đình đã đoạt giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam”.
Bản thân ông Trường được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam công nhận là nghệ nhân quốc gia, gần đây là giải thưởng “Bàn tay vàng” trong chương trình nghệ thuật Đông Dương... Năm 2007, Quách Phan Tuấn Anh là đại biểu duy nhất đại diện cho nghệ nhân kim hoàn Việt Nam sang dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức.
Từ năm 2008, Tuấn Anh cũng lập một website (http://vietsilver.com.vn) giới thiệu các sản phẩm đậu bạc đến với không chỉ khách hàng trong nước mà cả quốc tế. Tuấn Anh chia sẻ. "Làm tốt công tác quảng bá, tôi sẽ sống được với nghề. Bởi hiện nay, những đơn đặt hàng vẫn tiếp tục gửi đến, số lượng cũng nhiều lên".
Hiện, gia đình ông Trường có 15 nhân công với tay nghề rất cao do chính ông rèn luyện, truyền nghề. Gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu cũng phát triển thêm một gian hàng trong khu làng nghề truyền thống của khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, Hà Nội.
Vừa qua, các nghệ nhân đã cùng nhau thành lập Chi hội Kim hoàn Định Công với mục đích đào tạo thêm những người thợ kim hoàn tài năng, hy vọng phục hưng lại nghề cổ, giữ lại những nét xưa của đất Kinh kỳ như câu ca từng truyền tụng “Lĩnh hoa Yên Thái/ Đồ gốm Bát Tràng/ Thợ vàng Định Công/ Thợ đồng Ngũ Xã”.
Bài và ảnh: Mai Ngọc
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Hải Hà
22:38 12/12/2024(Thanh tra) - Không những hỗ trợ giao dịch tài chính - ngân hàng, VietinBank iPay Mobile còn mang tới nhiều trải nghiệm thanh toán số “all-in-one” từ A-Z, cùng với nhiều ưu đãi và quà thưởng vô cùng hấp dẫn dịp cuối năm, nổi bật nhất là cơ hội sở hữu iPhone 16.
Theo VietinBank
21:25 12/12/2024Theo VietinBank
21:23 12/12/2024Thu Hương
21:23 12/12/2024Hồng Vân
21:08 12/12/2024TC
20:44 12/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải