Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đặc điểm lạm phát 6 tháng đầu năm và triển vọng

Thứ năm, 26/07/2012 - 06:33

(Thanh tra) - Thực tế những tháng đầu năm đang cho thấy, khả năng hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 xuống còn 1 con số được xác lập bởi những nhân tố tích cực như: Nhận thức và quyết tâm chính trị mới từ cấp cao nhất; sự nhất quán chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo hướng tiếp tục thắt chặt, giảm bớt khối lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; xúc tiến đổi mới mô hình và cơ chế phát triển; sự dồi dào và giảm giá của các nguồn hàng hóa thiết yếu và lao động rẻ; sự năng động thương trường của đội ngũ doanh nghiệp (DN); vị thế quốc tế và lòng tin của thế giới đối với tiềm năng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam... Tuy nhiên, triển vọng lạm phát cả năm vẫn còn đó nhiều quan ngại.

Ngày càng nhiều NH thương mại ổn định được thanh khoản. Ảnh: Lan Anh

 Lạm phát giảm nhanh so với kỳ vọng

Quả thật, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm tốc khá nhanh, vượt mọi dự báo và tạo sự ngỡ ngàng cho nhiều người.

So với tháng trước, CPI tháng 1/2012 tăng 1% và tháng 2/2012 tăng 1,37% (bằng mức cùng kỳ năm 2009, nhưng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua), tháng 3/2012 CPI chỉ tăng 0,16% (mức tăng thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua, tăng 2,55% so với tháng 12/2011 và tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước). 

CPI tháng 4/2012 chỉ tăng 0,05% và là tháng thứ 9 liên tiếp tăng chậm lại so với tháng cùng kỳ (tháng 8/2011 tăng 23,02%; tháng 9/2011 tăng 22,42%; tháng 10/2011 tăng 21,59%; tháng 11/2011 tăng 19,83%; tháng 12/2011 tăng 18,13%; tháng 1/2012 tăng 17,27%; tháng 2/2012 tăng 16,44%, tháng 3/2012 tăng 14,15%). Tổng cộng CPI trong 4 tháng đầu năm 2012 đã tăng 2,6% so với tháng 12/2011 và tăng 10,54% so với tháng 4/2011.

CPI tháng 5/2012 tăng trở lại với mức tăng 0,18% so tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. 

CPI tháng 6/2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước, tức sau 38 tháng tăng liên tục (kể từ tháng 3/2009). So với 12/2011, CPI tháng này còn tăng 2,52%; so với tháng 6/2011 chỉ còn tăng 6,9%, không bằng 1/3 so với đỉnh lạm phát theo năm vào tháng 8/2011.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2012, mức tăng giá âm duy nhất thuộc về nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông. Nhóm hàng hóa tăng mạnh nhất vẫn là lương thực, thực phẩm, ăn uống, giáo dục và giao thông. Nhóm hàng tăng thấp là thuốc và dịch vụ y tế, tiếp đó là văn hóa phẩm, dịch vụ du lịch, giải trí…

Ngoài ra, tỷ giá VND với USD rất ổn định (tăng 0,32%), chỉ số giá vàng khá ổn định (tăng 16,24%), tức chỉ bằng khoảng 1/2 so với mức tăng cùng kỳ của mấy năm trước.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, CPI tính trong 6 tháng đầu năm 2012 so với cũng kỳ năm 2011 với mức tới 12,2% (bảng 1) vẫn là rất cao, thậm chí gấp tới 3 - 4 lần nếu so với mức lạm phát trung bình của các khu vực và thế giới trong cùng kỳ so sánh.

Bảng 1 - Mức tăng CPI các tháng đầu năm 2012 (Đơn vị (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Giảm lạm phát - không hẳn tích cực

Động thái CPI những tháng đầu năm 2012 nêu trên là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài: 

Thứ nhất, nhờ quyết tâm kiềm chế lạm phát xuống 1 con số của toàn bộ máy chính trị đã được khẳng định và nhất quán thực hiện khá quyết liệt từ trên xuống dưới trong suốt thời gian năm qua, nhất là ngay từ những tháng đầu năm 2012.

Thứ hai, nhờ bối cảnh lạm phát thấp trên toàn thế giới và xu hướng giảm giá liên tục nhiều mặt hàng nhạy cảm đối với CPI của Việt Nam như giá xăng, dầu, giá gạo và giá một số hàng tiêu dùng, xa xỉ khác nhập khẩu.

Thứ ba, còn do dòng ngoại tệ nước ngoài chảy vào khá nhiều, trong khi có sự giảm nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu, buôn lậu và thanh toán quốc tế (cán cân thanh toán quốc tế dự báo thặng dư khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012 nhờ vào sự cải thiện của cán cân thương mại). Sự thành công tăng mua vào ngoại tệ và sự “nóng” trở lại của trái phiếu Chính phủ (điều ngược với tình trạng cuối năm 2011) giúp cải thiện dự trữ ngoại tệ (tăng 30% so với đầu năm) trong khi điều hòa, rút khỏi được lưu thông một lượng khá lớn tiền tung ra cho mua ngoại tệ...

Thứ tư, sự hạn chế lượng tín dụng vào lưu thông trái với mong đợi cũng góp phần giảm áp lực tổng cầu, kiềm chế CPI (mức tăng trưởng tín dụng âm 0,28% tính đến 31/5/2012 và chỉ tăng vẻn vẹn có 0,17% tính đến 12/6/2012 so với đầu năm 2012). 

Thứ năm, việc giảm các lãi suất và những nhân tố thị trường khác cũng giúp giảm áp lực tăng CPI.

Thực tế kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2012 cho thấy những tín hiệu khả quan nhất định: Về giảm nhập siêu (trong 4 tháng đầu năm 2012, tổng nhập siêu khoảng 176 triệu USD, bằng khoảng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm gần đây). Cải thiện chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả về nguồn vốn (tăng vị thế các nguồn FDI từ các nước công nghiệp phát triển) và lĩnh vực thu hút (tăng FDI vào các ngành công nghiệp chế biến, giảm dòng vào các dự án bất động sản). Đấu thấu thành công trái phiếu Chính phủ khả quan hơn nhiều so với năm trước (đấu thầu thành công tới 5.900/7.000 tỷ đồng phiên ngày 16/2/2012 và trong quý 1/2012 đã phát hành được trên 9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ). Cải thiện về sản xuất điện (tăng 15,1%), khai thác dầu thô (tăng 10,3%), phát triển nông nghiệp, tính thanh khoản ngân hàng (NH). 

Mặc dù nợ xấu tính đến cuối quý 2/2012 đã lên tới 10% so với mức 3,4% trong quý 1/2012, nhưng các tổ chức tín dụng có tình hình tài chính yếu kém đang bị NH Nhà nước kiểm soát chặt chẽ để tái cơ cấu. Các tổ chức này chỉ chiếm chưa đến 10% trong họat động của toàn hệ thống NH. Qua một thời gian chấn chỉnh, thị phần của họ hiện chỉ khoảng 6%. Nhờ đó, ngày càng nhiều NH thương mại ổn định được thanh khoản. Tổng cầu xã hội đang có xu hướng tăng do cung tiền và tín dụng đều bắt đầu tăng nhanh hơn kể từ quý 2/2012. 

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy đang đậm dần lên một số dấu hiệu bất ổn kinh tế đáng lo ngại: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,38%. Nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào của nhóm hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu, như dệt may, giày dép và có độ phụ thuộc cao vào nguyên vật liệu nhập ngoại... trong các tháng đầu năm 2012 giảm mạnh, cho thấy khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu thời gian tới. 

Huy động vốn của hệ thống NH tăng cao hơn cho vay, cho thấy rõ xu hướng người dân đang tiết giảm chi tiêu, DN hạn chế vay vốn đầu tư kinh doanh. Thêm vào đó, khả năng tín dụng ảo (nhất là cho vay để đảo nợ và để tăng tổng dư nợ) có thể xảy ra, khi các NH coi đó là một cách để giảm tỷ lệ nợ xấu, tránh bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Đáng chú ý, bức tranh toàn cảnh DN năm 2012 đang đậm dần xu hướng tăng nhanh trên phạm vi cả nước và ở mỗi địa phương số lượng các DN trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, với đủ loại hình và quy mô, gặp khó khăn, phải giải thể, dừng hoạt động có thời hạn hoặc không phát sinh doanh thu, thua lỗ, phá sản, nợ nần chồng chất và thu hẹp sản xuất - kinh doanh, hàng tồn kho lớn, thị trường xuất khẩu khó khăn trong khi sức mua và thị phần trong nước thu hẹp... Nhiều DN không nộp thuế, bỏ trốn hoặc không thực hiện nổi các nghĩa vụ tài chính kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội ở cả cấp vĩ mô và vi mô. 

Tình trạng vay "nóng" hay xiết nợ hàng loạt hiện diễn ra khá phổ biến. Mối lo nợ đọng và phá sản gia tăng ở mọi ngành và DN, dù là đại gia, hay DN nhỏ và vừa tiểu thủ công nghiệp, nhất là trong ngành kinh doanh bất động sản, thép và chế biến thủy sản. Không ít DN chuyển từ sản xuất qua làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lúng túng và không đủ nguồn lực tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt…

Triển vọng lạm phát cuối năm 2012 - còn đó những nguy cơ

Mặc dù các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế. Song, làn sóng DN trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng vì không chịu nổi chi phí vốn và sản xuất cao từ đó dễ làm tăng áp lực thất nghiệp và an sinh xã hội, giảm thu nhập, giảm sức mua thị trường và căng thẳng cân đối ngân sách Nhà nước như một vòng xoáy lặp lại với mức độ ngày càng cao. 

Điều đó, đến lượt mình, có thể làm tăng bất ổn kinh tế - xã hội vĩ mô do nguy cơ vỡ nợ DN và NH, tăng sức ép thất nghiệp và an sinh xã hội, tăng các tranh chấp kinh tế và lao động, cũng như nguy cơ sụt giảm mạnh động lực tăng trưởng, thậm chí đứt gẫy các chuỗi giá trị gia tăng trong guồng máy tái sản xuất trong nước, cũng như quốc tế (ví dụ,  đánh bắt hải sản với chế biến và xuất khẩu hải sản…); cũng như tăng làn sóng thâu tóm các DN và thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh các DN Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ bên ngoài.  

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đối diện với sức ép lạm phát do khả năng tiếp tục mất giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như là hệ quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công và suy giảm  kinh tế toàn cầu. Sức ép tăng CPI còn gia tăng do xu hướng ngày càng đậm dần hơn việc chuyển từ thắt chặt sang từng bước nới lỏng chính sách tài chính - tín dụng cả trên quy mô thế giới (được Mỹ cổ súy và Đức nhân nhượng), cũng như trong nước. 

Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, lãng phí và sự chi phối của lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi, trong khi cần những nhu cầu chi phí tài chính to lớn cho hỗ trợ DN vượt khó, ổn định vĩ mô và bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng tạo thêm sức ép bất ổn cho những thành quả kiềm chế lạm phát vừa qua của Việt Nam. 

Đồng thời, trong thời gian tới vẫn tiềm tàng làn sóng tăng giá hàng thiết yếu, như giá điện, sữa; giá một số mặt hàng hoá mỹ phẩm, nhất là xà bông cục, nước rửa tay, chăm sóc cơ thể, tẩy rửa, băng vệ sinh, một số đồ dùng và thực phẩm giành cho trẻ em; nước sinh hoạt ở nhiều đô thị lớn; và có thể cả giá dầu mỏ gắn với xu hướng gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho phát triển kinh tế và tiêu dùng…

Những nhân tố trên khiến mục tiêu kiềm chế CPI xuống mức 1 con số (dự báo có thể ở mức 6 -  8%) trong năm 2012 dễ trở nên mong manh hơn, nếu thiếu các nỗ lực phối hợp đồng bộ và hiệu quả hơn từ nhiều phía và nhiều loại công cụ, giải pháp.


TS Nguyễn Minh Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Hải Hà

22:38 12/12/2024
Bật mí ứng dụng "vạn tính năng", dùng càng nhiều "lãi" cả iPhone 16

Bật mí ứng dụng "vạn tính năng", dùng càng nhiều "lãi" cả iPhone 16

(Thanh tra) - Không những hỗ trợ giao dịch tài chính - ngân hàng, VietinBank iPay Mobile còn mang tới nhiều trải nghiệm thanh toán số “all-in-one” từ A-Z, cùng với nhiều ưu đãi và quà thưởng vô cùng hấp dẫn dịp cuối năm, nổi bật nhất là cơ hội sở hữu iPhone 16.

Theo VietinBank

21:25 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm