Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án giao thông trọng điểm: Cần có sự đồng thuận

Trần Quý

Thứ tư, 09/10/2024 - 21:51

(Thanh tra) - Hầu hết các dự án nói chung và dự án giao thông trọng điểm nói riêng khi triển khai thực hiện đều có vướng mắc về mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó có nguyên nhân thiếu sự đồng thuận.

Công tác GPMB tại các dự án giao thông trọng điểm cần có sự đồng thuận. Ảnh: TQ

Đơn cử, dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 6/2023 với chiều dài 53,7km và tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành là vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.

Thế nhưng, đến nay, mới bàn giao trên thực địa được gần 26,4ha, đạt hơn 44,3% trên diện tích thu hồi của dự án và đạt hơn 72,5% so với diện tích đã được phê duyệt phương án bồi thường. Con số này cho thấy dự án đang bị đình trệ do vướng mắc về GPMB.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8km, tổng mức đầu tư trên 85.813 tỷ đồng. Theo lộ trình đề ra, đoạn tuyến đường song hành (dự án thành phần 2.1) sẽ được hoàn thành trong năm 2025, tuy nhiên, đến nay vẫn vướng mặt bằng của một số hộ dân; hạ tầng điện lực; hạ tầng kỹ thuật ngầm...

Dự án đường Vành đai 1 (Hà Nội), đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) hiện còn lại 2,3km, tổng mức đầu tư dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí GPMB 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 34,1% kế hoạch vốn nhưng vẫn chưa giải phóng được mặt bằng, nên dự án vẫn “án binh bất động” nhiều năm nay.

Tương tự, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, mở rộng đường Dương Quảng Hàm… đang gặp khó khăn lớn trong công tác GPMB, gây cản trở và kéo dài tiến độ thi công.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Ảnh: TQ

Tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang… GPMB vẫn là “điểm nghẽn” cản trở tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đến ngày 30/9/2024 còn 326 dự án giải ngân dưới 30% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của 56 địa phương; đặc biệt có 82 dự án chưa giải ngân; 5 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư có yếu tố chậm GPMB.

Để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền vận động; công khai công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư; vận dụng phương án “đặc thù”… và cuối cùng là dùng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn bị chậm tiến độ và để lại những hệ lụy như phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài; các vụ án hành chính, thậm chí là hình sự…

Kinh nghiệm của các địa phương cho thấy, ngoài việc áp dụng đúng các quy định pháp luật trong việc GPMB, bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền vận động để có được sự đồng thuận của người dân, các tổ chức có đất bị thu hồi cho các dự án nói chung và các dự án giao thông trọng điểm nói riêng.

Khi đã có sự đồng thuận thì việc triển khai GPMB cho dự án sẽ rất thuận lợi, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, an ninh trật tự được bảo đảm, không phát sinh đơn thư khiếu kiện…

Ông Lê Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng, Hà Nội, cho biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn tuyến trên địa bàn huyện Đan Phượng dài 6,3km, đi qua 5 xã, thị trấn: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và Phùng. Tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án là 74,8ha (trong đó đất nông nghiệp 39,84ha của 1.210 hộ), số mộ phải di chuyển là 1.678 mộ.

Trong quá trình thu hồi đất cho dự án đã có một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư được phê duyệt và đã có đơn khiếu nại. Tuy nhiên, sau khi được các cơ quan chức năng giải quyết đúng theo quy định của pháp luật cùng với sự tuyên truyền vận động của các tổ chức, đoàn thể, các hộ gia đình đã đồng thuận nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án đúng lộ trình.

Để phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh có tổng chiều dài 102,38km, Hà Tĩnh phải thu hồi 912ha đất các loại với gần 9.500 hộ dân bị ảnh hưởng, cất bốc hơn 1.000 ngôi mộ, xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang và di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật.

Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, thành viên Ban Chỉ đạo Triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh cho biết, xác định việc sớm bàn giao mặt bằng là một trong những yếu tố góp phần đưa dự án sớm hoàn thành, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện công tác GPMB.

Mặc dù vậy vẫn có một số hộ gia đình chậm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho dự án, thậm chí có một số hộ có đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư…

“Sau khi được các cơ quan chức năng giải quyết đúng theo quy định của pháp luật cùng với sự tuyên truyền vận động của các tổ chức, đoàn thể, các hộ gia đình đã đồng thuận nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án đúng lộ trình. Với gần 9.500 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án, nhưng mặt bằng được bàn giao đúng tiến độ là nhờ có được sự đồng thuận từ người dân, doanh nghiệp bị thu hồi đất”, ông Tuấn cho biết.

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình cũng bị ảnh hưởng vì chậm GPMB. Ảnh: TQ

Liên quan đến việc GPMB, mới đây tại phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024 về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành GPMB các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đúng kế hoạch.

Thủ tướng chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát các mốc tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB để hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 2 dự án đường Vành đai và 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây…

Tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân. Ngoài ra, phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên GPMB tại các vị trí đường găng về tiến độ thi công như khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Hải Hà

22:38 12/12/2024
Bật mí ứng dụng "vạn tính năng", dùng càng nhiều "lãi" cả iPhone 16

Bật mí ứng dụng "vạn tính năng", dùng càng nhiều "lãi" cả iPhone 16

(Thanh tra) - Không những hỗ trợ giao dịch tài chính - ngân hàng, VietinBank iPay Mobile còn mang tới nhiều trải nghiệm thanh toán số “all-in-one” từ A-Z, cùng với nhiều ưu đãi và quà thưởng vô cùng hấp dẫn dịp cuối năm, nổi bật nhất là cơ hội sở hữu iPhone 16.

Theo VietinBank

21:25 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm