Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảng nước sâu: Động lực phát triển kinh tế biển

Thứ năm, 14/07/2011 - 05:38

(Thanh tra)- Trong Chiến lược Kinh tế biển, cảng nước sâu và cảng container được coi là trọng tâm phát triển, động lực thúc đẩy kinh tế biển. Điều này cũng được xem là cách sửa chữa khiếm khuyết của hệ thống cảng biển Việt Nam hiện tại với quá nhiều cảng nhỏ manh mún và lạc hậu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện cả nước có tới 266 cảng biển, song chủ yếu có năng lực tiếp nhận hàng hạn chế, quy mô nhỏ, manh mún, không đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận tàu lớn, tàu container hiện đại. Ngay cả công tác quy hoạch cũng nhanh chóng lạc hậu.
    
Hệ thống cảng biển hiện nay chỉ được quy hoạch đến năm 2010, có khả năng thông qua 100 triệu tấn hàng hoá. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua năm 2010 đạt tới trên 259 triệu tấn, trong đó, hàng container đạt 6,52 triệu TEU, hàng lỏng đạt hơn 51 triệu tấn và hàng quá cảnh đạt hơn 29 triệu tấn. Như vậy, lượng hàng hóa dự đoán trong quy hoạch chỉ bằng non nửa trên thực tế. Điều đó cho thấy, công tác quy hoạch quá lạc hậu so với tốc độ phát triển kinh tế.
     
Ngoài ra, chất lượng các cảng biển cũng không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đơn cử, các cảng hiện có không được quy hoạch đồng bộ khu hậu cần, hệ thống đường giao thông liên kết. Vì thế, khi lượng hàng thông qua cảng tăng mạnh sẽ bị ùn tắc, làm giảm sức cạnh tranh khi xuất nhập khẩu. Do hệ thống hậu cần cũng như việc kết nối giao thông thiếu đồng bộ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại, gây giảm sút khả năng hấp thu các dự án đầu tư.

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 3979/BKHĐT-KTĐN ngày 22/6/2011) về các giải pháp nhằm sớm triển khai thực hiện dự án cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng, giai đoạn khởi động, mới đây (ngày 11/7) Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải và các bộ, ngành khác có liên quan tiến hành đàm phán lại với phía Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến vốn vay của dự án cảng Lạch Huyện, giai đoạn khởi động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2011. 

Trần Ngọc


Thực tế này cho thấy, quy hoạch phát triển cảng biển trước đây bất cập. Chính vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống cảng nước sâu và cảng container để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam hiện nay.
     
Để thay đổi cơ cấu cảng biển Việt Nam, hình thành những cảng trung tâm có quy mô mang tầm khu vực, quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển xa của Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu trong 5 năm tới cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu tại Lạch Huyện - Hải Phòng và Cái Mép, Bến Đình - Vũng Tàu.
    
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra điểm mấu chốt cần đặc biệt lưu ý trong phát triển cảng biển nước sâu là phải đầu tư hạ tầng đồng bộ. Cụ thể, các cảng nước sâu phải có cơ sở hạ tầng kết nối, các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistic. Ngoài ra, cảng nước sâu cũng cần cơ chế ưu đãi đặc thù để vận hành, khai thác các bến cảng một cách thuận lợi, đồng bộ với phương thức quản lý hiện đại, thống nhất. Có như vậy mới hình thành được những cảng trung tâm quy mô mang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển xa của Việt Nam, thu hút nguồn hàng trung chuyển quốc gia và quốc tế.
    
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, sẽ khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và cả nước. Trước mắt, Bộ GTVT chỉ đạo ưu tiên đầu tư các bến cảng chuyên dùng container, bến cảng bách hóa, tổng hợp tại khu vực Cái Mép, Cái Mép Hạ, Bến Đình - Sao Mai. Đây sẽ là khu cảng trọng yếu của cảng biển Vũng Tàu - cửa ngõ quốc tế phía Nam, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến biển xa của Việt Nam, thực hiện vai trò trung chuyển container quốc tế.
   
Về phía mình, Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu cơ chế quản lý, đầu tư, khai thác nhằm phát triển các cảng biển, khu cảng quan trọng (các cảng loại IA) trong hệ thống cảng biển theo hướng thống nhất, tập trung, đồng bộ; không chia cắt quỹ đất, nguồn lực đầu tư xây dựng cảng một cách manh mún, nhỏ lẻ. Đồng thời, nghiên cứu phát triển cảng biển bờ hữu sông Thị Vải - Cái Mép và cơ chế đặc thù thu hút lượng hàng trung chuyển quốc tế qua các bến cảng biển quan trọng tại các cảng trung chuyển quốc tế, cảng cửa ngõ quốc tế.
   
Riêng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đang được nâng cấp, thay đổi thiết kế để tăng năng lực tiếp nhận tàu container cỡ lớn, phù hợp với xu hướng vận tải chuyên tuyến của quốc tế. Đây cũng là cách kịp thời điều chỉnh quy mô, đầu tư đón đầu, tăng sức hấp dẫn của cảng nước sâu Việt Nam.

                                                                                                                           Bích Liên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người Việt, dùng hàng Tết Việt

Người Việt, dùng hàng Tết Việt

(Thanh tra) - Còn khoảng 7 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp và nhiều hệ thống phấn phối đã lên phương án dự trữ hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

T.Vân

12:50 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm