Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Nông nghiệp đề nghị đăng ký bảo hộ ngay thương hiệu gạo ST25 trong nước

Thứ sáu, 23/04/2021 - 21:08

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, liên quan tới vụ việc gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu, mới đây, Bộ NN&PTNT đã liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu ở trong nước.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Quốc Toản khẳng định giống lúa ST25 đã được Bộ NN& PTNT cấp bản quyền nên yên tâm về giống. Ảnh: AT

Câu chuyện gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu có thể là bài học cho bất kỳ doanh nghiệp nào trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản, nhất là khi quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.

Khi sản phẩm nông sản ngày càng hội nhập sâu rộng, vươn tới nhiều thị trường thì vấn đề bảo vệ thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ càng quan trọng. Hiện, Bộ NN&PTNT đang đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ cấp bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường trong nước.

Sáng ngày 22/4 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, qua kiểm tra cho thấy, hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra" của 4 doanh nghiệp. 

Thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất. 

Để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự. 

Bất kỳ sản phẩm nào nếu không có chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu, trong quá trình lưu thông không nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu kịp thời thì có thể dẫn tới hệ quả là rất dễ bị đối tác, thị trường đang hợp tác có thể tranh chấp về tên gọi, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, như câu chuyện thực tế mà gạo ST25 đã và đang trải qua.

Ông Toản cũng cho biết, theo quy định, vấn đề bảo hộ thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là lĩnh vực do Bộ Khoa học Công nghệ mà cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ quản lý.

Cục Sở hữu trí tuệ có chức năng cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các hiệp hội ngành hàng, địa phương, các tổ chức, cá nhân khi họ có đơn xin được cấp, và hồ sơ xin cấp đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện.

Khi có vấn đề liên quan đến tranh chấp thương hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cũng là đơn vị xác minh thông tin qua hợp tác quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Với trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, ngay sau khi nhận được thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp đang sở hữu sản phẩm gạo ST25 có ý kiến với Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ cho sản phẩm gạo ST25 ngay tại thị trường trong nước.

Cục Sở hữu trí tuệ đang vào cuộc rất tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp sớm được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Việt Nam. Hiện, giống lúa ST25 đã được Bộ NN&PTNT cấp bản quyền nên yên tâm về mặt giống.

Ông Toản cũng cho biết, theo thông lệ, tham gia vào thị trường nào thì phải tuân thủ theo pháp lý của thị trường đó. Tại Mỹ, các cuộc tranh chấp sẽ do luật sư ở văn phòng luật sư bản địa đấu tranh đòi quyền lợi cho chủ thể thông qua các cơ quan chức năng ở Mỹ.

Với thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu, hiện, Cục Chế biến và Phát triên thị trường nông sản đang xác minh, nếu đúng bên Mỹ đang có doanh nghiệp đăng ký để được cấp bảo hộ thương hiệu thì sẽ có tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Thực tế, gạo ST25 là nhãn hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp, một sản phẩm có uy tín, được thị trường ưa chuộng hoàn toàn có thể xảy ra tranh chấp nhãn hiệu nếu doanh nghiệp không có biện pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu kịp thời.

Còn muốn được công nhận thương hiệu quốc gia thì doanh nghiệp đó phải đăng ký tham gia chương trình thương hiệu quốc gia, phải trải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt mới có thể xem xét được công nhận hay không.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm