Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hàng loạt sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai, thăm dò khai thác khoáng sản

Thái Hải

Thứ bảy, 15/08/2020 - 16:07

(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh vừa ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ảnh minh họa: Internet

Giao đất, cho thuê đất còn thiếu sót

Kết luận chỉ ra, việc triển khai công tác lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ, chất lượng có mặt còn hạn chế; khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng điện mặt trời trên địa bàn.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch SDĐ của các huyện, thành phố còn chưa phù hợp quy định, chất lượng các quy hoạch chưa cao, kế hoạch SDĐ chưa sát với thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dẫn đến phải điều chỉnh; một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực hiện chưa đạt yêu cầu, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp đạt thấp.

Trình tự, thủ tục một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất còn thiếu sót, diện tích SDĐ của dự án không phù hợp với diện tích đất trong quy hoạch sử dụng; một số dự án điện mặt trời SDĐ thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thủy lợi, nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất không có văn bản thấm định nhu cầu SDĐ; không thấm định điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc giao đất, cho thuê đất một số dự án không phù hợp với tiến độ thực hiện dự án; có dự án cho thuê đất không đúng theo nội dung quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; điều chỉnh thời hạn cho thuê đất không đúng quy định của pháp luật, không ký điều chỉnh họp đồng thuê đất khi điều chỉnh quyết định cho thuê đất; một số dự án cho phép chuyến mục đích SDĐ không đúng quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai 2013.

Quản lý quỹ đất công ích không chặt chẽ

Tại một số dự án, việc đưa đất vào sử dụng còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, diện tích đất được bàn giao cũng như hạ tầng đấu nối cấp nước, cấp điện không đồng bộ một số dự án do năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế; có dự án vi phạm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý rừng, chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến titan và diện tích đất rừng, vi phạm trật tự xây dựng... dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp.

Bên cạnh đó, việc quản lý, SDĐ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế, tỷ lệ lấp đầy tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được thành lập đạt thấp; đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp chậm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai (Khu Công nghiệp Du Long, Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam); một số dự án trong khu công nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư tại vị trí chưa phù hợp quy hoạch ngành nghề được duyệt.

Một số hồ sơ xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất áp dụng không đúng quy định của pháp luật về phương pháp xác định giá đất, cần phải rà soát, xác định lại theo quy định; việc đôn đốc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai chưa thường xuyên, kịp thời, đến thời điểm thanh tra (30/6/2019) số tiền còn phải thu là 27,415 tỷ đồng.

Chưa có kế hoạch, phương án cụ thể để khai thác quỹ đất đã thu hồi của các dự án có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, có những khu đất thu hồi từ năm 2015 hiện vẫn để trống.

Quản lý quỹ đất công ích không chặt chẽ, dẫn đến việc SDĐ sai mục đích theo quy định (TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải); hầu hết các địa phương cho thuê đất nông nghiệp không thông qua đấu giá; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất công ích (huyện Thuận Bắc); sử dụng đất công ích sản xuất nông nghiệp nhưng không ký họp đồng thuê đất (huyện Thuận Nam).

Chưa lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Về  công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi lòng sông), kết luận chỉ rõ UBND tỉnh Ninh Thuận chưa lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017-2018 theo quy định.

Cơ quan chuyên ngành chậm tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo tiêu chí mới của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Mặt khác, năm 2016 UBND tỉnh cho thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 2 giấy phép thăm dò tại khu vực chưa có kết quả thăm dò. Tuy nhiên, đến thời điểm kiếm tra chưa được cấp phép khai thác.

UBND tỉnh phê duyệt đưa vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cần tuân thủ chặt chẽ theo quy định; chậm phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là chưa thực hiện Điều 18 Luật Khoáng sản 2010; chưa truy thu được số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

UBND tỉnh để chủ mỏ sau khi được cấp phép chậm khai thác, khai thác không đảm bảo về tiến độ trong dự án đầu tư nhưng không kiến nghị xử lý theo quy định.

Đối với công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh còn thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với một số nội dung; các sở, ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, địa phương;  ban hành một số quy định chưa phù hợp, còn chậm; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa tốt; xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công chậm; bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, giám sát đánh giá đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành còn nhiều sai sót...

Đối với công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước còn có những hạn chế nhất định về năng lực, trách nhiệm, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm như: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục; lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế dự toán chưa đạt yêu cầu, chất lượng thấp; công tác lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo quy định về công khai, điều kiện chỉ định thầu... Việc ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng thiếu chặt chẽ; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều sai sót; việc bàn giao đưa vào sử dụng còn chậm, để công trình xuống cấp...

Thực hiện các dự án BT còn lúng túng

Việc thực hiện các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn thể hiện sự lúng túng của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nhà đầu tư trong việc thực hiện các quy định về dự án BT, giao và cho thuê đất, xác định giá đất cụ thế đế giao cho nhà đầu tư dự án BT còn thiếu chặt chẽ... dẫn đến các dự án BT bị chậm, không đảm bảo tiến độ đế bàn giao đưa vào sử dụng; chậm giao đất để thanh toán cho nhà đầu tư, gây lãng phí nguồn lực đất đai và ảnh hưởng đến hiệu quả của nhà đầu tư.

Triển khai thủ tục lựa chọn chủ đầu tư một số dự án chưa thực hiện theo đúng quy trình; việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư có nhiều hạn chế, khuyết điểm; công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước ngoài hàng rào dự án theo cam kết của UBND tỉnh còn chậm; chưa kịp thời đề xuất xử lý theo quy định đối với một số dự án có tiến độ đầu tư chậm, chưa thực hiện ký quỹ đầu tư;

Việc khảo sát, xác định quỹ đất bố trí tái định cư tại một số dự án không đầy đủ, phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần; việc bổ sung quy hoạch điện lực và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án điện mặt trời không đồng bộ với khả năng truyền tải của hệ thống hạ tầng truyền tải điện, dân đên nhiêu nhà máy năng lượng tái tạo bị giảm phát, gây thiệt hại cho nhà đâu tư, giảm hiệu quả đâu tư dự án; công tác giám sát, đánh giá đầu tư còn hạn chế; chế độ báo cáo, kiểm tra, đôn đốc chưa thực hiện đầy đủ theo quy định.

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp; chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, đề nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền trên 188 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị kiểm tra, rà soát, xem xét điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đã cấp đối với một số dự án có diện tích đất chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi đất rừng và đất khoáng sản titan ra khỏi quy hoạch.

Đồng thời rà soát việc xác định giá đất, nộp tiền sử dụng đất, chấp hành về quy hoạch, xây dựng, huy động vốn, phương án kinh doanh của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đối với một số dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư ngoài thời kỳ thanh tra...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm và thiếu sót sau thanh tra ở Con Cuông

Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm và thiếu sót sau thanh tra ở Con Cuông

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trong việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); việc thực thi công vụ, nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức.

Văn Thanh

19:00 11/12/2024

Tin mới nhất