Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục kiên định mục tiêu xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra

Thái Hải

Thứ ba, 30/01/2024 - 15:51

(Thanh tra)- Ngày 30/1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Bùi Ngọc Lam chủ trì cuộc họp liên ngành sơ kết việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam chủ trì cuộc họp. Ảnh: TH

Báo cáo việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, giai đoạn 2016 - 2023, việc thực hiện Chiến lược về cơ bản đã được Chính phủ, TTCP, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Chiến lược, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Kết quả thực hiện Chiến lược đã góp phần xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; từng bước tăng cường tính tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra; xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong đó, kết quả nổi bật trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược, với việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Thanh tra 2022… quy định pháp luật đã từng bước được hoàn thiện theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, phát hiện nhiều sai phạm, kiên quyết xử lý những vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó có những vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thu hồi nhiều tiền, tài sản có giá trị lớn cho ngân sách Nhà nước, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghề được tăng cường, nâng cao hiệu quả trên thực tế. Qua đó, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Giai đoạn 2016 - 2023, đã hoàn thành 9/13 nhiệm vụ cụ thể trong phụ lục của Chiến lược. Việc thực hiện các nhiệm vụ này đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của ngành Thanh tra, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan thanh tra, đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra; đổi mới công tác cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành Thanh tra…

Tuy nhiên, Tổ Thường trực biên soạn Chiến lược cũng đã rút ra những hạn chế. Theo đó, Chiến lược đã kết thúc gia đoạn 1, đang trong giai đoạn 2 nhưng nhìn chung tính tập trung, thống nhất, độc lập tương đối, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra vẫn chưa được đảm bảo về cơ sở pháp lý và điều kiện tổ chức thực hiện. Việc xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất chưa triển khai trong giai đoạn hiện nay.

Pháp luật hiện hành không đề cập việc xây dựng xác cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo 2 cấp hành chính gồm cấp Trung ương và cấp tỉnh do không phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở giai đoạn đề xuất chính sách xây dựng luật; pháp luật cũng chưa minh định trong đánh giá chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước cho các cơ quan thanh tra; không quy định thanh tra cấp tỉnh chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất cơ quan thanh tra cấp huyện như mục tiêu Chiến lược đặt ra ở giai đoạn tầm nhìn.

Tổ chức ngành Thanh tra thiếu tính độc lập tương đối và không có sự chỉ đạo tập trung thống nhất trong ngành. Hiện nay, tổ chức ngành Thanh tra bị chia cắt, lệ thuộc vào thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp cả về tổ chức và cán bộ, cũng như thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra chưa triệt để, còn nặng về đôn đốc, thu hồi tiền, tài sản, chưa chú trọng việc thực hiện xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có vi phạm, chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, vi phạm…

Trong thời gian tới, việc xây dựng Chiến lược tiếp tục kiên định mục tiêu chung về xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính độc lập, tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra; xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể còn lại của giai đoạn thứ nhất và mục tiêu cụ thể của giai đoạn thứ 2 đó là: Xây dựng và tăng cường tính hệ thống của ngành Thanh tra theo hướng quản lý tập trung, thống nhất về tổ chức, biên chế; nâng cao vài trò của các cơ quan thanh tra trong quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chuyển mạnh sang xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan thanh tra ngành, lĩnh vực tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày và lợi ích của người dân.

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng ý với kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhất là giai đoạn 2016 - 2023.

Các đại biểu cho rằng, cần phải xác định rõ giai đoạn thực hiện. Cụ thể, đến năm 2020 là kết thúc giai đoạn 1 của Chiến lược cộng thêm 2 năm nữa. Về kết quả đặt được cần dựa vào Luật Thanh tra 2022 để đánh giá.

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam ghi nhận việc chuẩn bị báo cáo sơ kết việc thực hiện Chiến lược của Tổ Thường trực biên soạn Chiến lược, đồng thời đồng ý với dự thảo kết quả thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 1.

Về nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu, cần phải hoàn chỉnh nội dung các nhiệm vụ trong giai đoạn 1 và tiếp tục nghiên cứu thực hiện giai đoạn 2; tập trung thực hiện các quy định luật, trên cơ sở đó  đề xuất giải pháp nâng cao tính tập trung, thống nhất, độc lập của cơ quan thanh tra; thực hiện đầy đủ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Chiến lược; hướng dẫn bộ, ngành, địa phương thực hiện trong giai đoạn tới; xây dựng dự thảo kế hoạch để triển khai Chiến lược giai đoạn 2.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện sơ kết báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược giai đoạn 1 cộng 2 năm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm