Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra ngành Tài chính: Kiến nghị xử lý 6.212.798 triệu đồng

Thứ tư, 04/07/2018 - 15:40

(Thanh tra) - Sáng ngày 4/7, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm dưới sự chủ trì của ông Trần Văn Vượng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: ML

Triển khai 28.368 cuộc thanh tra, kiểm tra

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Huy Trường, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, với tinh thần chủ động, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, của ngành, tập thể lãnh đạo Thanh tra Bộ và thanh tra các đơn vị thuộc Bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, bám sát thực tiễn để xây dựng và triển khai kế hoạch đúng trọng tâm, trọng điểm và đôn đốc thực hiện kịp thời và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác từ công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP); công tác xây dựng nội bộ ngành và hợp tác quốc tế... 

6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 28.368 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 196.136 hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế; qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 6.271 vụ. 

Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý các nguồn kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế. Trong đó, chú trọng tập trung vào các lĩnh vực phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành... 

Kết quả thanh tra, kiểm tra của các kết luận đã lưu hành phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 6.212.798 triệu đồng, xử lý vi phạm hành chính 1.231.139 triệu đồng, đồng thời có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách của đất nước. 

Trong đó, riêng Thanh tra Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã chủ động triển khai 19 cuộc thanh tra, kiểm tra. Nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, thanh tra hành chính nội ngành... Nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra được lồng ghép một cách khoa học, góp phần tiết kiệm chi phí và nhân lực, rút ngắn được thời gian thanh tra, kiểm tra.

Lưu hành 15 kết luận, qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 963.283 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước 650.663 triệu đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 70.815 triệu đồng; xử lý tài chính khác 241.805 triệu đồng. Đồng thời, có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách và cơ chế chính sách đặc thù của các ngành, lĩnh vực.

Có thể nói, công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2018, đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, của Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, như: Thanh tra chống thất thu ngân sách Nhà nước, thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách tại Trung ương, địa phương, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế...

Ngoài ra, Thanh tra Tài chính đã triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra; 100% các đoàn thanh tra đều được Chánh Thanh tra ra quyết định thành lập tổ giám sát đoàn thanh tra, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường; hạn chế việc sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Công tác PCTN đạt được kết quả đáng ghi nhận

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được Thanh tra Tài chính thực hiện nghiêm túc, chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở cơ quan tổng số 426 lượt, với 531 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua công tác tiếp công dân đã xem xét, hướng dẫn, giải quyết 445 vụ việc (trong đó: Cơ quan Bộ 23 vụ việc; Hệ thống Thuế 418 vụ việc; Hệ thống Hải quan  2 vụ việc; Hệ thống Dự trữ Nhà nước 2 vụ việc).

Trong công tác PCTN, THTK, CLP, 6 tháng đầu năm 2018, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Thanh tra Bộ, công tác PCTN đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của Bộ triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật PCTN, Chương trình Hành động, kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về công tác PCTN của Chính phủ và của Bộ Tài chính. 

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện quy định của pháp luật về PCTN, quy chế PCTN, nhất là các đơn vị có phạm vi hoạt động rộng, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. 

Tham mưu, trình lãnh đạo Thanh tra, lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự Đảng ban hành 6 văn bản để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công tác PCTN... Chuẩn bị thông tin, tài liệu, tham mưu cho lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật PCTN sửa đổi, tham dự các phiên họp của Chính phủ, kỳ họp Quốc hội và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo đảm yêu cầu, đúng thời hạn...

Công tác THTK, CLP luôn được Thanh tra Bộ xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tích cực phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình Tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2018 và hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác THTK, CLP năm 2018 bảo đảm đúng quy định của Luật THTK, CLP; trình lãnh đạo Bộ ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan tổ chức của Bộ và các bộ, ngành, địa phương về công tác THTK, CLP; tổng hợp thông tin, báo cáo về THTK, CLP của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về THTK, CLP năm 2017 để trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV. 

Hoàn thành, trình Bộ trưởng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký trình Quốc hội Báo cáo của Chính phủ về THTK, CLP năm 2017; chuẩn bị các tài liệu, ý kiến thuyết minh, giải trình phục vụ lãnh đạo Bộ tham dự các phiên họp của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về THTK, CLP năm 2017; đồng thời theo dõi, nắm bắt tổng hợp thông tin, chuẩn bị tài liệu về công tác THTK, CLP phục vụ Bộ trưởng họp Chính phủ, họp Quốc hội, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo đảm yêu cầu, đúng thời hạn.

Thực hiện tốt cơ chế giám sát đoàn thanh tra

Đây là một trong những giải pháp đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra, để triển khai tích cực nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng chia sẻ tại hội nghị.

Theo Chánh Thanh tra Trần Văn Vượng, phát huy những thành tích đã đạt được qua 6 tháng đầu năm 2018, từ nay đến cuối năm, Thanh tra Bộ Tài chính cần triển khai các nhiệm vụ giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức, triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2018 theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt; bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả để hoàn thành kế hoạch được giao.

Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. 

Thực hiện tốt cơ chế giám sát đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa Thanh tra Bộ với thanh tra chuyên ngành và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật. 

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN và THTK, CLP trong các lĩnh vực; kiểm tra công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị trong ngành Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ. 

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát đối tượng, thông qua hệ thống phân tích rủi ro, phối hợp với qua các cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực của Bộ để chủ động cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm năng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính năm sau được kịp thời và đúng đối tượng. 

Thứ tư, tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. 

Cải tiến phương pháp tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo kịp thời theo quy định; góp phần tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ, ban ngành và địa phương.  

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt.

Tăng cường đào tạo bồi dưỡng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra tài chính; kịp thời xây dựng và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ trao đổi nghiệp vụ; tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác PCTN lãng phí thông qua họp báo; viết bài trên các tạp chí, trang thông tin điện tử trong và ngoài ngành Tài chính. 

Nâng cao ý thức trong công tác THTK, CLP cho cán bộ, công chức...

Mai Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm