Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa thanh tra các tỉnh

Trần Kiên

Thứ bảy, 23/03/2024 - 06:35

(Thanh tra)- Thực tiễn áp dụng một số quy định của pháp luật còn có những khó khăn, vướng mắc, do đó, ngoài việc thanh tra các tỉnh phải nắm rõ các quy định để thực hiện đúng pháp luật thì việc tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau cũng rất cần thiết.

Ông Phạm Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Ký kết giao ước thi đua Cụm Thi đua số IV. Ảnh: Trần Kiên

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Tại hội nghị ký kết giao ước Cụm Thi đua số IV, Thanh tra Chính phủ, gồm thanh tra 7 tỉnh biên giới miền núi phía Bắc là Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng và Lạng Sơn được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã có ý kiến, bên cạnh việc phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua thì giữa thanh tra các tỉnh cũng cần tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tiễn của nhau, đặc biệt đối với việc áp dụng một số quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc để vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ.

Ông Phạm Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội; do vậy, yêu cầu về nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của ngành Thanh tra ngày càng cao.

Từ Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và người hoạt động thanh tra, kiểm toán, Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 ban hành quy chế, tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra, trong đó yêu cầu nâng cao chất lượng, tiến độ ban hành kết luận các cuộc thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thanh tra.

“Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2023; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; công tác kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập đang thực hiện… bên cạnh những thuận lợi thì cũng có những khó khăn, bất cập, việc thực hiện có những khó khăn trên thực tiễn. Do vậy, ngoài việc nắm rõ các quy định của pháp luật để thực hiện thì việc trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa thanh tra các tỉnh trong cụm thi đua là vô cùng cấp thiết”, ông Hùng đặt vấn đề.

Ông Phan Văn Thống, Chánh Thanh tra tỉnh Điện Biên cũng nêu quan điểm mong muốn Thanh tra Chính phủ quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ một cách kịp thời, đảm bảo việc thực hiện thống nhất trong toàn ngành, tránh tình trạng cùng một nội dung nhưng các địa phương thực hiện khác nhau; có cơ chế trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra cấp dưới. Bên cạnh đó, Thanh tra các tỉnh nên có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhau để thực hiện nhiệm vụ ngày một hiệu quả.

Lãnh đạo thanh tra 7 tỉnh đã nhất trí cao việc cần thiết phải tăng cường sự trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm giữa các cơ quan thanh tra với nhau.

Qua đề xuất của Chánh Thanh tra tỉnh Điện Biên về việc tổ chức hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa thanh tra các tỉnh trong Cụm Thi đua số IV tại Điện Biên, lãnh đạo thanh tra 7 tỉnh đã thống nhất cao và giao Thanh tra tỉnh Điện Biên chủ trì, xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị vào trung tuần tháng 5/2024.

Thanh tra 7 tỉnh trong Cụm Thi đua số IV ký kết giao ước thi đua, đồng thời bắt tay thể hiện tinh thần đoàn kết. Ảnh: Trần Kiên

Gợi mở nhiều vấn đề 

Theo Phó Cục trưởng Cục I Phạm Hùng, thanh tra các tỉnh có thể học tập, trao đổi những kinh nghiệm hay trong công tác thanh tra các chuyên đề diện rộng Thanh tra Chính phủ đang triển khai (thanh tra về quy hoạch xây dựng, thanh tra công vụ…); công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên địa bàn, nhất là liên quan đến đất đai nông, lâm trường, đất rừng, đất lâm nghiệp, chế độ chính sách của người dân tộc thiểu số... “Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi những kinh nghiệm hay, do có điều kiện đến được nhiều địa phương, tổng hoà, tổng hợp được các vấn đề ở đó”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng nhắc đến mô hình của ngành Công an qua việc giao nhiệm vụ cụ thể cho công an tỉnh A hoặc tỉnh B sau đó nhân rộng ra 63 tỉnh, thành; cụ thể đối với vụ việc của ngành Đăng kiểm do Công an TP Hồ Chí Minh làm trước sau đó nhân rộng ra, rồi lĩnh vực giáo dục, y tế cũng vậy.

Đối với Cụm Thi đua số IV, ông Hùng đặt giả thiết: Thanh tra tỉnh Điện Biên nhận diện ra các nhóm việc, lĩnh vực có dấu hiệu sai phạm và đề xuất với UBND tỉnh để thực hiện; Thanh tra tỉnh Lào Cai nhận diện và đề xuất với UBND tỉnh thực hiện nhóm việc, lĩnh vực khác của Điện Biên. Sau khi thực hiện, thanh tra các tỉnh trao đổi rút kinh nghiệm của nhau để sang năm sau Thanh tra Lào Cai lại làm nội dung Thanh tra Điện Biên đã làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Thanh tra tỉnh Sơn La làm các nội dung Thanh tra tỉnh Lào Cai đã làm trên địa bàn tỉnh Sơn La… Nếu chúng ta làm được như vậy thì sẽ giúp cho Chủ tịch UBND tỉnh rất nhiều, sẽ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm và tránh được các tổn thất.

Với lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng vậy, do các tỉnh trong cụm có nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, xã hội nên cũng có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm hay của nhau để giải quyết các vụ việc phức tạp…

Ông Nguyễn Thành Sinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai thông tin, qua việc phát động các phong trào thi đua và trao đổi kinh nghiệm giữa Thanh tra các tỉnh trong Cụm Thi đua, năm 2023, Cụm Thi đua số IV đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Năm 2024, Cụm Thi đua số IV ký kết giao ước với 9 nội dung, trong đó phấn đấu thực hiện 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, đôn đốc thu hồi sai phạm về tiền và tài sản trên 80%; tham mưu giúp Chủ tịch UBND các tỉnh giải quyết kịp thời, đúng pháp luật 85% các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đôn đốc, tổ chức thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 90%.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cảnh Nhật

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm