Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 14/10/2018 - 10:32
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tuy vậy, thực tế việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Do đó, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đất đai.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đào Trung Chính.
- Dù đã giải quyết được nhiều vướng mắc của Luật Đất đai 2003 nhưng sau gần 4 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thi hành. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Phó Tổng Cục trưởng Đào Trung Chính: Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luật và các văn bản dưới Luật đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
Tuy vậy, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu chính là do Luật Đất đai và các Luật khác có liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; một số nội dung quy định của Luật Đất đai biểu hiện chưa phù hợp với thực tiễn triển khai; có một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Có thể nói, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa tốt. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực sự nghiêm túc, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt.
Công tác giám sát mới chỉ chủ yếu thông qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn; các phương tiện kỹ thuật, công cụ phục vụ cho công tác giám sát còn hạn chế; việc đầu tư kinh phí để ứng dụng rộng rãi công nghệ cao trong việc giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính khách quan còn chưa thích đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Tại nhiều địa phương, việc áp dụng thực hiện quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn lúng túng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn phân tán, thiếu đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cho việc vận hành hệ thống thông tin đất đai, do đó cơ sở dữ liệu không được vận hành khai thác sử dụng, dẫn tới cơ sở dữ liệu không được cập nhật biến động thường xuyên dễ dẫn tới tình trạng cơ sở dữ liệu bị lỗi thời, không có giá trị sử dụng.
Ngoài ra, Quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc áp dụng các phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Thông tin về giá đất thị trường làm đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất có độ tin cậy chưa cao, chưa có dữ liệu về giá đất thị trường để thuận lợi cho việc thực hiện xác định giá đất.
Việc xử phạt vi phạm pháp luật đất đai còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng đối tượng thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật đất đai. Tổ chức thanh tra chuyên ngành thiếu ổn định, lực lượng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành còn quá mỏng, nhiều công việc đột xuất phát sinh.Năng lực cán bộ, công chức, viên chức; điều kiện cơ sở vật chất, đời sống cán bộ, viên chức còn rất hạn chế, bất cập, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Có thể nói, vấn đề yếu kém trong quản lý đất đai theo quy hoạch hoặc các đất công giao cho các đối tượng cụ thể như đất chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; đất giao cho các phường, xã, đất đai giao cho các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn vướng mắc. Vậy, Tổng cục đã và sẽ làm gì để khắc phục những vấn đề trên, thưa ông?
Phó Tổng Cục trưởng Đào Trung Chính: Đây là một trong các nội dung quan trọng trong đổi mới chính sách đất đai thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Tổng cục tham mưu thể chế trong các Luật Đất đai 1993, 2003, 2013 và cũng là mặt hạn chế lớn trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tiếp tục tham mưu tập trung vào các quy định cụ thể.
Quy định công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đổi mới về nội dung và tính liên kết vùng, ngành tạo căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Quy định xử lý đất đai gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất của các tổ chức làm cơ sở giải quyết việc sử dụng đất của tổ chức gồm phần diện tích đất được tiếp tục sử dụng, phần diện tích đất trả lại cho Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quản lý để giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lấn, chiếm…
Quy định chế tài xử lý vi phạm đất đai phát sinh từ quản lý, sử dụng đất, trong đó có quỹ đất giao cho các đối tượng, cụ thể như đất chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đất giao cho các phường, xã, đất giao cho các doanh nghiệp nhà nước... Đề xuất một số quy định xử lý thu hồi đất không sử dụng, chậm tiến độ sử dụng, sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê…
- Hiện quản lý sử dụng đất đai đã phát sinh nhiều sai phạm bởi những hành vi vi phạm quản lý đất đai trong thời gian qua như chậm đưa đất vào sản xuất, sử dụng đất sai mục đích để đất bị lấn chiếm, thất thoát lãng phí... Vậy theo ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những giải pháp cụ thể gì nhằm tăng cường biện pháp quản lý cơ quan nhà nước về đất đai tại Trung ương và địa phương?
Phó Tổng Cục trưởng Đào Trung Chính: Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp như lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của người dân và doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi tổng hợp thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai qua báo chí để xử lý theo quy định...
Tổng cục đã thực hiện Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016. Đáng lưu ý trong 2 năm 2016 và 2017, Bộ đã chỉ đạo tập trung thanh tra trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã trong việc quản lý đất đai (trọng tâm là việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân).
Hiện Đề án này đã được thực hiện trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương xử lý, khắc phục các tồn tại, sai phạm phát hiện qua thanh tra.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai và chỉ đạo các địa phương trong cả nước chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Thi công hạ tầng kỹ thuật nham nhở trong Khu Công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Bộ cũng đã rà soát các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất mà theo quy định của pháp luật đất đai thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để chuyển sang thuê đất ngay theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ đã kiểm tra, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Ngoài ra, Bộ cũng đã tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất để thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý và sử dụng đất trên phạm vi cả nước. Cụ thể, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 5 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, theo đó sẽ rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm tăng cường quản lý đất đai (chính sách về thu hồi đất, hồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình tự thủ tục thực hiện; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…); nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Hơn nữa, sẽ tăng cường vai trò giám sát của người dân, cộng đồng dân cư; làm rõ thêm các hành vi vi phạm luật đất đai, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi phạm, quy định biện pháp khắc phục hậu quả mang tính khả thi hơn. Quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Hải Hà
12:54 15/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân