Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy dự hội nghị quản lý đất đai

Thứ năm, 10/12/2015 - 20:38

(Thanh tra) - Chiều 10/12, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy làm việc tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Anh

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết: Trải qua nhiều lần sắp xếp, đổi mới, đến nay, cả nước có 364 công ty nông, lâm nghiệp nghiệp quản lý, sử dụng gần 2,8 triệu ha đất. Trong 10 năm qua, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường trong cả nước đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là các đơn vị đã cổ phần hóa; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, cho thuê, cho mượn đất đai trái pháp luật đã giảm; hiệu quả sử dụng đất nâng lên, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong các nông, lâm trường. 

Đến hết năm 2014, đã có 17,1% diện tích của các công ty nông, lâm nghiệp chuyển sang giao đất có thu tiền và thuê đất theo quy định của pháp luật; 46% diện tích các công ty nông nghiệp; 73% diện tích của các công ty lâm nghiệp và 64% diện tích ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TN&MT báo cáo tình hình đất đai của các nông, lâm trường. Ảnh: Quỳnh Anh

Trong giai đoạn 2004 - 2014, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện 8 cuộc thanh tra có liên quan đến quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất; những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp, các ngành; những hạn chế trong nhận thức pháp luật đất đai của người dân và cán bộ. Giải quyết được nhiều trường hợp tranh chấp, xử lý được nhiều vi phạm chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường.

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn chậm; hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai còn thấp; tình trạng bản đồ và hồ sơ quản lý đất đai thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế quản lý, sử dụng đất; đối với diện tích đất bàn giao cho địa phương, hầu hết chưa được đo vẽ, lập bản đồ địa chính và phương án quản lý, sử dụng; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường còn chậm, không chính xác về ranh giới đất trên thực địa nên tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai, như lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn nhiều…

Để tăng cường quản lý về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, Bộ TN&MT đưa ra 4 giải pháp cụ thể bao gồm: Giải pháp về chính sách; giải pháp về tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm và giải pháp về cơ sở dữ liệu đất đai.

Phó Cục trưởng Cục II Ngô Chí Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Anh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục II Ngô Chí Thành ủng hộ những giải pháp mà Bộ TN&MT đưa ra. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Bộ TN&MT lồng ghép chặt chẽ giữa giải pháp đồng bộ ổn định dân cư với việc quản lý đất đai. Đối với những dự án ổn định dân cư nào khi triển khai đạt được kết quả tốt trong việc quản lý đất đai thì cần ưu tiên thực hiện ngay. Đối với những diện tích sẽ thu hồi trong thời gian tới, đề nghị Bộ TN&MT phải lên phương án, kế hoạch và nguồn lực kèm theo quyết định thu hồi đất. Phải có biện pháp quản lý ngay sau khi thu hồi đất để đạt được hiệu quả. 

“Những cuộc thanh tra, kiểm tra đã có kết luận, đề nghị các tỉnh, huyện thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra. Còn những khiếu nại, kiến nghị mới, chúng ta nên xác định trách nhiệm giải quyết đầu tiên là của địa phương để đạt hiệu quả hơn”, Phó Cục trưởng Cục II nhấn mạnh.

Quỳnh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm