Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phía sau những tin, bài từ khu vực phía Nam

Thứ năm, 21/06/2018 - 07:17

(Thanh tra)- Tháng 6 hàng năm là dịp người làm báo nhìn lại dòng tin, bài mà mỗi người đã đầu tư công sức và thời gian để phản ánh về nhịp sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyến đi công tác đầu tiên về địa phương của Tổng Thanh tra Lê Minh Khái được phóng viên phản ánh đậm nét trên Báo Thanh tra. Ảnh: GTN

Các phóng viên Cơ quan Đại diện Báo Thanh tra tại phía Nam đã bám sát hoạt động của Thanh tra Chính phủ, tuyên truyền tốt về hoạt động của ngành, đồng thời có nhiều tin, bài có chất lượng, tạo hiệu ứng tốt để các cơ quan quản lý điều chỉnh hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Nhìn thẳng, viết thật

Với đặc thù là bộ phận nằm xa Ban Biên tập, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, nên thời gian qua, các phóng viên Cơ quan Đại diện phía Nam đã thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập trong hoạt động báo chí. Đặc biệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Biên tập là bám sát tôn chỉ mục đích là cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, từng phóng viên đã chủ động chuẩn bị tâm thế để bám sát địa bàn được giao, cố gắng phản ánh đầy đủ hoạt động của lãnh đạo và hiện trạng thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của 20 tỉnh, thành phía Nam.

Trong quá trình theo dõi địa bàn, cùng với trách nhiệm tiếp nhận các hồ sơ của bạn đọc được Ban Biên tập giao, đã có nhiều vụ việc, hiện tượng được phản ánh khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện. Với tư duy nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh với hàng chục tuyến tin, bài được đăng tải, thì nhiều vụ việc đã được tháo gỡ, nâng cao niềm tin của nhân dân vào ngành Thanh tra, đồng thời quan hệ của Báo Thanh tra với nhiều cơ quan chức năng cũng ngày càng khăng khít.

Ngay khi báo chí sôi sục về câu chuyện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm thì những phóng viên Cơ quan Đại diện là người hạnh phúc nhất. Vì rằng, công dân Thủ Thiêm đã tìm đến Báo Thanh tra từ nhiều năm trước, khi đó chị Đặng Kim Thanh, với tư cách là Phó Tổng Biên tập, kiêm Trưởng Cơ quan Đại diện đã báo cáo với Ban Biên tập và chỉ đạo nhóm phóng viên gồm Ngọc Giang, Chu Tuấn, Phước Lộc vào cuộc. Sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin của Cục 3, làm việc với các cơ quan quản lý thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, có tham khảo ý kiến của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình (khi đó), đối chiếu quy định pháp luật được áp dụng, Báo Thanh tra đã có hàng chục tin, bài phản ánh đa diện về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đáng chú ý, Báo Thanh tra đã mạnh dạn đề cập đến việc phải tổng kết, đánh giá cơ chế phân cấp cho UBND TP Hồ Chí Minh vì nhiều điều khoản đã xung đột với Luật Đất đai, thậm chí đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp khi cho phép cơ quan chức năng được ban hành quyết định thu hồi đất bất kể mục đích công ích hay thương mại.

Một tuyến tin, bài khác cũng được các phóng viên thực hiện công phu, bài bản là phản ánh hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai. Đó là công trình xây dựng lấn chiếm hành lang sông rạch tại quận 2 của phóng viên Chu Tuấn, là công trình nhà cao tầng không phép trên đất công bán chỉ định tại quận 4 của phóng viên Cảnh Nhật, là loạt bài về sổ đỏ không có hồ sơ gốc được cấp tràn lan trên đất công tại quận 7 khi được Ban Biên tập giao phản ánh về vụ việc công dân Huỳnh Văn Cò của phóng viên Ngọc Giang, phóng viên Chu Tuấn.

Đó cũng là công sức của tập thể phóng viên được thể hiện trong từng câu, từng chữ được chắt lọc từ hàng bó hồ sơ dày cộm liên quan đến các dự án đổi đất lấy hạ tầng tại nhiều tỉnh thành phía Nam.

Buổi tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ tại Kiên Giang được ống kính phóng viên ghi nhận và phản ánh một cách toàn diện. Ảnh: GTN

Niềm vui và nỗi trăn trở

Dù chỉ có 3 phóng viên do đặc thù lịch sử nhưng từng phóng viên đều sống và làm việc theo tiêu chí “nhìn vào mặt tốt của nhau”.

Có những thời điểm, cả 3 chúng tôi phải căng mình chia thời gian một cách khoa học nhất khi Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều hoạt động tại phía Nam. Giải pháp tốt nhất đã được đưa ra trên cơ sở kiến nghị với Ban Biên tập là phóng viên Ngọc Giang phải bám sát hoạt động của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, và các đơn vị của Thanh tra Chính phủ. Hai phóng viên còn lại thì hỗ trợ một phần cho các chuyến đi kiểu tháp tùng Tổng Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra để bảo đảm có đầy đủ tin, bài cho Báo Thanh tra, và chia sẻ cho Cổng Thông tin, cho Tạp chí Thanh tra.

Nhờ cách làm việc tương đối chặt chẽ này, cũng như cơ chế trao đổi hàng ngày với Ban Biên tập nên hầu như các hoạt động của ngành Thanh tra tại phía Nam đã được phản ánh đậm nét, đầy đủ. Mỗi khi tặng Báo Thanh tra cho Tổng Thanh tra, các Phó Tổng Thanh tra những lúc giải lao và được các lãnh đạo chăm chú đọc thì phóng viên cũng cảm thấy tự hào về đứa con tinh thần của mình.

Một niềm vui khác là những lời cám ơn, những ánh mắt đỡ chùng xuống của nhiều bạn đọc khi câu chuyện của họ được Báo Thanh tra phản ánh qua những tin, bài mà nhiều đồng nghiệp đánh giá là có sức chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác. Những ánh mắt của người dân quận 2, quận 7, của hàng chục hộ dân Long An, hàng chục hộ dân Phú Quốc, cùng hàng trăm người dân khiếu nại đất khai hoang tại Hòn Đất... vẫn sẽ là niềm động viên cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cấp cơ sở.

Từ phản ánh của Báo Thanh tra với tác giả bài viết là các phóng viên Cơ quan Đại diện, nhiều vụ việc sai phạm đã được cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết đúng pháp luật.

Công trình khách sạn Hương Biển, một thời là bất khả xâm phạm dù xây không phép, phá vỡ quy hoạch tâm linh của đảo Phú Quốc, đã phải tháo dỡ một phần và đang phải đối diện với nguy cơ phải tháo dỡ toàn bộ vì sai phạm về đất đai. Nhiều dự án giao thông đổi đất lấy hạ tầng cũng đang được cơ quan thuế vào cuộc để truy thu. Nhiều vụ việc khiếu nại của công dân từng bước có phương án giải quyết phù hợp. Hàng loạt cán bộ sai phạm bị kiểm điểm, trong đó có trường hợp Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh niềm vui thì quá trình nhìn lại những dòng chữ đã được in ấn trang trọng trên các ấn phẩm thì chúng tôi cũng còn đó hàng loạt nỗi trăn trở về những bài viết không được cơ quan quản lý Nhà nước phản hồi. Vì rằng, niềm vui của người làm báo là khi tin, bài được đăng tải thì cần có phản hồi dù tốt, dù xấu vẫn hơn tình trạng “đá ném ao bèo”.

Trong quá trình tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương, quan điểm của phóng viên Cơ quan Đại diện là chia sẻ tất cả các vấn đề pháp lý có liên quan đến các nội dung mà công dân gửi đến với mong muốn có một giải pháp phù hợp thực tiễn. Kết quả là một phần nội dung lập luận của phóng viên đã được đưa vào các báo cáo đề xuất cho lãnh đạo địa phương, tạo được sự đồng thuận cho công dân, hạn chế tiếp khiếu. Đó còn là sự phối hợp giữa truyền thông với cơ quan chuyên môn để cùng chung tay làm tốt hơn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, phòng, chống tham nhũng.

Giang Tuấn Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm