Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nữ tiến sĩ kể chuyện “xây tổ ấm”

Chủ nhật, 21/10/2018 - 06:31

(Thanh tra)- Đam mê học hành, 40 tuổi trở thành tiến sĩ ngành Quản lý Kinh tế - chị Tăng Thị Thiệm, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, thu hút người đối diện bởi nụ cười rạng rỡ, sự thân thiện, gần gũi đến lạ. Trong mỗi câu chuyện chị kể, tôi luôn cảm nhận được niềm “say” nghề và một tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, gia đình…

Chị Tăng Thị Thiệm. Ảnh: NVCC

Không để thời gian… “chết”

40 tuổi - sở hữu trong tay tấm bằng tiến sĩ, chị cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học bởi với chị học là một niềm đam mê. Chị học mọi lúc, mọi nơi… Có lẽ vậy, sự học đối với chị thật nhẹ nhàng.`

Với nhiều người, thời gian làm nghiên cứu sinh có thể kéo dài 5-10 năm và không ít người phải bỏ dở giữa chừng, nhưng chị lại hoàn thành trước thời hạn. Chị kể: “Đó là thời gian thực sự khó khăn. Khi ấy, tôi làm Kế toán trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, trong điều kiện nhà trường đang tinh giản biên chế thì việc vừa đi học vừa đi làm dường như là không thể”.

“Rất may, tôi được thủ trưởng và đồng nghiệp hỗ trợ, chia sẻ. Trường học xa cơ quan làm việc cả chục cây số, nhưng có ngày tôi chạy đi chạy lại 4 - 5 vòng, học ở trường lại vội vã quay về cơ quan làm việc đến 12 giờ đêm mới trở về nhà” - chị nhớ lại.

Từng học đại học chuyên ngành Kế toán, rồi thạc sĩ Tài chính Ngân hàng, đến tiến sĩ Quản lý Kinh tế, lại có cả chứng chỉ Kiểm toán viên Nhà nước, nhưng hiện tại chị vẫn đang theo học lớp trực tuyến chuyên ngành Luật Kinh tế ở Viện Đại học Mở Hà Nội bởi chị suy nghĩ, làm thanh tra thì phải biết về luật.

Bên cạnh công việc chuyên môn, nữ tiến sĩ còn tham gia giảng dạy ở Học viện Tài chính và Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính. Công việc giảng dạy đã ngốn hết thời gian để chị nghỉ ngơi, nhưng vì đam mê chị vẫn theo đuổi…

Đi dạy, học viên chủ yếu là những người đã đi làm, cũng có người sắp nghỉ hưu, thậm chí nghỉ hưu rồi vẫn đi học, trong số đó không ít người có vị thế, nhưng ai cũng thích nghe chị giảng bởi trong mỗi giờ lên lớp chị luôn lồng ghép những câu chuyện thực tiễn.

Ngoài đi dạy, chị còn nghiên cứu khoa học, tham gia các hội thảo, rồi phản biện giáo trình ở một số trường đại học. Năm 2017, đề tài “Nâng cao hoạt động thanh tra tài chính doanh nghiệp của Thanh tra Chính phủ” do chị làm chủ nhiệm được nghiệm thu xuất sắc.

Để làm tròn được nhiều “vai” cùng môt lúc, chị cho biết: “Tôi rất may mắn được gia đình hậu thuẫn, chồng ủng hộ, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Nhờ vậy, mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc”.

Một “bí quyết” thú vị được chị “bật mí” khi trò chuyện cùng tôi đó chính là sự chuyên tâm với việc mình làm và không để thời gian “chết”. 8 tiếng “vàng ngọc” ở cơ quan phải cố gắng hoàn thành công việc chuyên môn, khi về nhà là toàn tâm dành cho con cái, đi dạy là chuyên tâm vào bài giảng.

“Bí quyết”… xây tổ ấm

Hàng ngày, công việc bận rộn, nhưng chị luôn sắp xếp hợp lý để dành thời gian cho gia đình. Với chị, đàn bà quan trọng nhất là… xây tổ ấm. Chính tổ ấm sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con cái.

Chị có sở thích “khá lạ”: Thích được sống chung với mẹ chồng. 17 năm sống cùng bố mẹ chồng, các con giờ cũng đã lớn, nhưng chị cho biết, gia đình 3 thế hệ lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười.

“Bí quyết” để “cơm luôn lành, canh luôn ngọt”, theo chị, chính là sự chân thành. “Tôi luôn xem mẹ chồng như mẹ đẻ. Có đồng quà tấm bánh cũng ưu tiên mẹ chồng hơn. Đôi lúc bà mắng cũng không giận, thay vào đó tôi tếu táo là bà lại bỏ qua. Đến bây giờ, có những hôm giận chồng tôi vẫn sang ngủ cùng bà”.

“Bật mí” về cách nuôi dạy con cái, bà mẹ tiến sĩ cho biết: Người phụ nữ không nên “ôm” hết mà phải sẻ chia. Ông bà, bố mẹ cùng chung tay nuôi dưỡng, dạy dỗ con, cháu. “Trong gia đình, chồng tôi là người dẫn các con đi mua sắm từ quần áo đến giầy dép vì thực sự đàn ông họ hiểu nhau hơn” - chị cười.

Chị Tăng Thị Thiệm luôn sắp xếp hợp lý để dành thời gian cho gia đình. Ảnh: NVCC

Là tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế, chồng là PGS ngành Khoa học Trái đất, nhưng gia đình chị không áp đặt con phải theo suy nghĩ của bố mẹ. Chị kể: “Các con tôi đều cá tính nên mẹ thường xuyên thảo luận cùng con để tìm tiếng nói chung, luôn lắng nghe và tôn trọng ước muốn cũng như sở thích của con. Các cháu còn đang ở tuổi “ẩm ương”, nên vợ chồng tôi đóng vai là người định hướng”.

Ngoài tôn trọng sở thích của con, chị rèn luyện con đức tính tự lập. Thay vì đưa đón con đi học, từ lớp 6 chị đã để con tự đi xe bus công cộng đến trường.

Chị kể: Nhà ở Cổ Nhuế nhưng có lần con đi nhầm xe xuống tận Bến xe Giáp Bát, lại không có điện thoại để liên lạc, gia đình rất lo lắng nhưng rồi vẫn chấp nhận “thả” để con khôn lớn.

Hay trong sinh hoạt thường nhật của con, nếu như nhiều ông bố bà mẹ cấm con chơi điện tử thì chị lại quan niệm khác. Chị tôn trọng sở thích của con, và luôn dõi theo để biết được con chơi trò gì, thời gian bao lâu là đủ và thời điểm nào thì được chơi. Ví dụ, vào đợt thi cử thì cấm nhưng những lúc gia đình đi du lịch, hè thì nên để con được giải trí.

Ngay cả việc dùng điện thoại chị cũng không cấm bởi theo chị nếu con sử dụng hợp lý sẽ học được rất nhiều điều hay, tuy nhiên, bố mẹ cần phải biết con chơi cái gì, xem cái gì…

Cân bằng tâm - thân - chí

Cùng lúc làm nhiều việc, lại thường xuyên phải đi công tác xa nhà, đôi khi cuộc sống khiến chị mệt mỏi, mất ngủ, stess… Những lúc như vậy chị tìm đến yoga, zumba để thư giãn. Trước kia nhà xa cơ quan, chị tranh thủ tập vào buổi nghỉ trưa, còn bây giờ chị dành 30 phút - 1 tiếng sau giờ làm để tập. Chỉ có sở thích đặc biệt với yoga bởi nó giúp chị cân bằng cuộc sống và duy trì sức khỏe cũng như sự dẻo dai để làm việc.

Nhiều người vẫn quan niệm, phụ nữ học cao sẽ “lơ là” việc gia đình, nhưng bản thân chị không thế. Có thời gian chồng đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, mình tay chị lo kinh tế và chăm sóc con cái… Mọi việc đều chu toàn. 

Chị suy nghĩ, phụ nữ có trình độ sẽ giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, có “tiếng nói” trong gia đình, xã hội. “Phụ nữ muốn hạnh phúc không nên phụ thuộc về mặt kinh tế, học cao là cách giúp mình tự tin kiếm sống và tự tin để hưởng thụ cuộc sống. Muốn kiếm được ông chồng tốt, người phụ nữ nên đặt mình vào một môi trường tốt, chứ đừng vào… quán bar” - chị tâm sự.

Chị Tăng Thị Thiệm (phải ảnh) tham gia giải thể thao do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Ảnh: NVCC

Xã hội hiện đại, phụ nữ cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều “vai”, làm thế nào để “giỏi việc nước, đảm việc nhà” không phải là điều đơn giản. Để làm tròn “vai” chị cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biết cân bằng tâm - thân - chí ngay trong chính bản thân mình.

“Với phụ nữ làm công tác thanh tra, điều này lại càng quan trọng bởi đặc thù công việc hay phải đi công tác xa nhà, lại có rất nhiều cám dỗ… Nếu cân bằng được tâm - thân - chí thì mọi việc sẽ đi vào quỹ đạo và trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Vốn là dân chuyên ngữ ngày cấp 3, khi lên đại học làm quen với những con số và phép tính của ngành Tài chính - Kế toán, công việc có phần nguyên tắc và khô khan, nhưng với chị ẩn chứa bên trong là cả một “nghệ thuật” và chị thấy mình…“hợp”.

Nói về con đường phía trước, chị cho biết sẽ vẫn tiếp túc gắn bó, công hiến cho Cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra bởi với chị nơi đây là môi trường tốt để chị học hỏi và khẳng định mình…

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm