Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều địa phương tuyên truyền về PCTN mang tính một chiều

Thứ sáu, 24/04/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ tại Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018), 17 địa phương có điểm dưới trung bình nội dung này: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đăk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Long An, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Công tác quản lý Nhà nước được đánh giá trên 6 nội dung chính bao gồm: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN, (2) nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, (3) giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, (4) công tác thanh tra, kiểm tra, (5) sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN, (6) thực hiện chế độ thông tin báo cáo về PCTN. Trên cơ sở thực tế của địa phương thông qua các tài liệu đánh giá cho thấy, quản lý Nhà nước về công tác PCTN ở địa phương đã được thực hiện quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao.

Công tác quản lý Nhà nước về PCTN đạt 16,77/20 điểm, đáp ứng 83,4% yêu cầu, cả 6 công tác quản lý Nhà nước đều được các địa phương triển khai đạt từ 62% đến 90% yêu cầu, mỗi nội dung đều có địa phương đạt 100% yêu cầu, nhưng ngoài nội dung chỉ đạo công tác PCTN, các nội dung còn lại của công tác quản lý Nhà nước về PCTN đều có địa phương đạt điểm 0.

Các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020; Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 21/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo các cấp, sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; định kỳ đánh giá tình hình, kết quả công tác và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp PCTN.

Điểm số đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN được 4,28/5 điểm, đạt 85,46 % so với yêu cầu, thấp hơn so với năm 2017. UBND cấp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời triển khai những chỉ đạo của Trung ương thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị cấp tỉnh.

Điểm yếu ở các nội dung là tính kịp thời của việc ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCTN và nội dung của chương trình, kế hoạch PCTN. Có 7 tỉnh, thành phố đạt điểm cao ở phần nội dung này (Gia Lai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bình Định, Đăk Nông, Bình Dương, Cà Mau) trong khi có 8 địa phương có điểm số dưới mức trung bình.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN và quản lý kinh tế, xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều quy định của pháp luật đã được các địa phương xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời, nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần hạn chế những sơ hở, bất cập trong quản lý dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Nhiều địa phương đã triển khai tổng kết sơ kết thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Công chức, Luật Viên chức... Rà soát, đề xuất sửa đổi các luật liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, kiểm tra chuyên ngành giúp giảm chi phí không chính thức, giảm nhũng nhiễu doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần làm tăng niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy chính quyền, thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển.

Trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, tinh gọn và giảm đầu mối tổ chức bên trong; giảm tối đa các tổ chức liên ngành; giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng đạt 74% so với yêu cầu. Các địa phương đã triển khai tích cực là Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh.

Điểm yếu trong công tác nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện thể chế là tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định; trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Nhiều quy định về định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật lạc hậu, chưa sát với thực tế, dẫn đến tham nhũng, lãng phí (7 địa phương đạt 0 điểm nội dung này: Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Giang, Nam Định, Tây Ninh, Sơn La).

Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW ngày 3/2/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; bám sát Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW ngày 20/2/2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn công tác tuyên truyền về PCTN, lãng phí, tập trung tuyên truyền để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực.

Kết quả cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương đã chủ động thông tin, công khai cho báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, giúp định hướng tốt dư luận xã hội để người dân hiểu rõ hơn về những khó khăn, phức tạp, cũng như khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong PCTN. Nội dung thông tin về PCTN đảm bảo khách quan, chính xác hơn, khắc phục cơ bản tình trạng đưa thông tin thiếu kiểm chứng, góp phần quan trọng trong công tác PCTN. Năm 2018 có 17 địa phương đạt điểm tối đa (3 điểm) ở nội dung này.

Tuy nhiên, kế hoạch tuyên truyền còn mang tính một chiều, hình thức chưa phong phú; các hoạt động chủ yếu là việc mở lớp và in tài liệu tuyên truyền. Chưa có sự đánh giá, rút kinh nghiệm và đánh giá tác động của công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN trên địa bàn để hướng tới làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa không tham nhũng; kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế (17 địa phương có điểm dưới trung bình nội dung này: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đăk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Long An, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Sóc Trăng).

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo đúng định hướng, kế hoạch được phê duyệt; triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan Nhà nước cùng cấp; hoạt động thanh tra hành chính và chuyên ngành được tăng cường đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (trên các chỉ tiêu về số tiền, đất phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử phạt vi phạm hành chính, số vụ chuyển cơ quan điều tra).

Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Ngành cũng đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

Kết quả chấm điểm cho thấy điểm trung bình toàn quốc ở nội dung này là đạt  92,8% yêu cầu (giảm 0,6% so với năm 2017). Nhiều tỉnh làm tốt nội dung này khi có 49 địa phương đạt điểm tối đa. Một số tỉnh (Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chưa tốt công tác thanh tra kiểm tra trách nhiệm thực hiện luật PCTN, việc ban hành kế hoạch thanh tra chậm so với quy định, không phát hiện sai phạm cũng như không có kiến nghị thay đổi chính sách pháp luật từ các cuộc thanh tra.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; còn để kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, đòi hỏi tiến độ nhanh để phục vụ yêu cầu quản lý. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng tỉ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên.

Sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN được đánh giá thông qua sự phối hợp giữa UBND các tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các góp ý, phản biện xã hội trong hoàn thiện cơ chế, pháp luật về PCTN; thực hiện các chương trình giám sát và thực hiện các khuyến nghị; tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, phát huy vai trò của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để kịp thời phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay từ cơ sở, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN...

Việc thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 là cơ sở đánh giá quan trọng, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Tuy nhiên nhiều địa phương cho rằng, việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập. Quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng (Khoản 5, Điều 12, Luật Tiếp công dân năm 2013) là khó thực hiện.

Điểm ở nội dung sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN thấp so với các nội dung đánh giá khác trong nội dung quản lý Nhà nước về công tác PCTN. Việc xây dựng nội dung phối hợp về công tác PCTN, tiếp thu các kiến nghị sau giám sát và tiếp công dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định (các đơn vị có điểm thấp hơn trung bình là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hưng Yên, Trà Vinh, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Tây Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Long).

Các địa phương tiếp tục quan tâm đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân; từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp.

Trên toàn quốc, hầu hết có quy định về việc lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định, ra quyết định giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân; ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước (trước hết là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong chỉ đạo việc xem xét, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài đã được nâng cao (Bắc Kạn, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang, Tuyên Quang). Tuy nhiên, một số địa phương đạt điểm thấp trong nội dung này cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện chưa tốt việc tiếp công dân, thậm chí có tỉnh không cung cấp được dữ liệu về chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tiếp dân trong năm (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kon Tum, Vĩnh Long).

Trong năm 2018, có tới 17 lãnh đạo tỉnh tiếp công dân ít hơn 5 lần/12 tháng (chưa đạt 50% so với yêu cầu). Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt ở một số địa phương. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn chậm; còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, nhiều vụ việc giải quyết giải quyết chưa dứt điểm hoặc chưa thấu tình, đạt lý, khi vụ việc diễn biến phức tạp thì lúng túng, nóng vội nên hiệu quả chưa cao, còn có nơi có dấu hiệu trở thành điểm nóng.

Năm 2018, các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện triển khai đánh giá, tổng kết phục vụ cho hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, đánh giá công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng Khóa XII đến nay và chuẩn bị Đại hội Đảng Khóa XIII.

Thông qua thực hiện báo cáo sơ kết, tổng kết; báo cáo theo Thông tư 03 và báo cáo thực hiện đánh giá công tác PCTN cho thấy việc thực hiện báo cáo về công tác PCTN được UBND cấp tỉnh giao thanh tra tỉnh, thành phố thực hiện. Việc thực hiện báo cáo còn bị động, việc phối hợp giữa các cơ quan trong địa bàn để cung cấp thông tin báo cáo PCTN còn chưa tốt. Một số địa phương, số liệu chưa cập nhật thường xuyên, chưa thực sự là thông tin đầu vào hữu ích cho công tác quản lý Nhà nước về PCTN ở cấp địa phương...

Yến Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm