Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 17/09/2014 - 08:42
(Thanh tra)- “Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), người cán bộ thanh tra phải thật sự là người bạn thân tình của dân. Có như vậy giải quyết vụ việc mới thấu tình đạt lý, người dân mới tâm phục, khẩu phục” - anh Phạm Hồng Sơn, Chánh Thanh tra huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La mở đầu câu chuyện với tôi như vậy.
Anh Phạm Hồng Sơn, Chánh Thanh tra huyện Yên Châu, người bạn thân tình của dân. Ảnh: Hồng Bài
Anh nói tiếp: Gần 15 năm công tác trong ngành Thanh tra, tôi đã đến gần như hết tất cả các xóm, bản của 14 xã trong huyện, biết tên, biết người, biết tính nết của hầu hết các già làng, trưởng bản, trưởng họ, tập quán người Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Thái. Sau mỗi vụ KN, kiến nghị được giải quyết, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác: “Thanh tra là tai mắt của trên là người bạn của dưới”.
Tôi đã được anh Sơn thuyết phục khi lật lại hai “kỳ án” mới đây. Đầu năm 2013, Phòng Thanh tra được Chủ tịch UBND huyện giao nhiệm vụ thanh tra giải quyết đơn TC của cụ Lừ Văn Sam, 80 tuổi ở bản Pút, xã Chiềng Khoi.
Vụ khiếu kiện này kéo dài đã hơn 2 năm nhưng chưa được UBND xã Chiềng Khoi giải quyết dứt điểm. Cụ Lừ Văn Sam gửi đơn lên Chủ tịch UBND huyện, UBND tỉnh Sơn La. Nội dung đơn cho thấy, đây là vụ khiếu kiện rất đơn giản. Trong đơn, cụ Sam TC cán bộ địa chính xã Chiềng Khoi chiếm dụng 66.000 đồng tiền ngân sách xã. Cụ thể, đầu năm 2009, cụ Sam nhờ cán bộ địa chính xã cầm, nộp hộ vào ngân sách xã 66.000 đồng tiền thuế khai thác lâm sản. Mấy tháng sau không thấy cán bộ địa chính đưa phiếu thu tiền, cụ Sam hỏi, anh cán bộ địa chính đưa ra nhiều lý do và hứa hẹn cụ nhiều lần nhưng vẫn không đưa phiếu thu.
Thấy khuất tất, cụ Sam lên gặp Chủ tịch UBND xã hỏi. Ít ngày sau cụ Sam nhận được phiếu thu tiền, nhưng ngày, tháng, năm ghi trong phiếu thu không đúng với thời điểm cụ nộp tiền. Cụ Sam làm đơn KN gửi Chủ tịch UBND xã, yêu cầu giải thích nhưng không được chính quyền trả lời thỏa đáng.
Đầu năm 2010, cụ Sam làm đơn TC UBND xã Chiềng Khoi bao che cho cán bộ địa chính, chiếm dụng tiền ngân sách xã, gửi Chủ tịch UBND huyện. Theo pháp luật KN, TC, đơn cụ Sam được chuyển về UBND xã Chiềng Khoi giải quyết.
UBND xã giải quyết nhiều lần không xong, lại “đẩy” lên UBND huyên. Hơn hai măm, cụ Sam ôm đơn ngược suôi lên huyện, lên tỉnh. Tập đơn ngày một dày, những lá đơn đầu có 6 nội dung. Sau đó tăng lên 8 nội. Vụ khiếu kiện của cụ Sam được gọi là “kỳ án 66.000 đồng”.
Tiếp nhận tập đơn dày cộp, sau mấy ngày nghiên cứu, rồi về bản Pút, trực tiếp gặp cụ Sam, anh Sơn xác định, cụ Sam theo vụ khiếu kiện suốt hai năm qua không phải vì 66.000 đồng. Gia đình cụ thuộc diện hộ giàu của xã. Bản thân cụ Sam nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khoi. Nhất định phải vì lý do khác. Anh Sơn quyết định về “3 cùng” cùng ăn, cùng ở, cùng tâm sự với gia đình cụ Sam.
Khi cụ Sam quý mến, coi như con cái trong nhà thì mọi “ẩn số” của vụ khiếu kiện được giải mã. Cụ Sam giận cán bộ xã Chiềng Khoi vì: Thứ nhất, UBND xã không làm giấy mời mà làm giấy triệu tập. Khi đối thoại, cán bộ hỏi cụ như hỏi cung. Mục đích của cụ Sam là mình tố cái sai của cán bộ là để cán bộ sửa chữa mà làm việc tốt hơn, làm việc vì nhân dân. Nguyện vọng của cụ là UBND xã Chiềng Khoi phải công khai xin lỗi cụ, đồng thời trả lại cho cụ 66.000 đồng. UBND xã phải trả cụ 500.000 đồng tiền chi phí đi lại khiếu kiện trong hai năm.
Nắm được ý nguyện chính đáng của cụ Sam, Thanh tra huyện làm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện. Sau đó UBND huyện đã tổ chức gặp mặt giữa cụ Sam với cán bộ xã Chiềng Khoi, có sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện, Thường trực HĐND huyện. Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoi đã đứng lên xin lỗi cụ Sam và trao 500.000 đồng tiền hỗ trợ cho cụ. Cụ Sam đã vui vẻ xin rút đơn TC. Vậy là “kỳ án 66.000 đồng” ở xã Chiềng Khoi kết thúc.
Kỳ án thứ hai là vụ tranh chấp đất giữa gia đình bà Lê Thị Cương với gia đình bà Nguyễn Thị Mai, cùng tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu. Hai hộ cùng mua chung một thửa đất. Hộ bà Mai mua trước nên đã xây nhà. Hộ bà Cương chưa làm nhà. Khi bà Mai làm xong nhà thì nảy sinh khiếu kiện. Bà Cương kiện bà Mai đã xây nhà lấn sang đất nhà bà 1,6m2 (rộng 20cm, kéo dài hết phần đất). Bà Mai cho rằng, khi gia đình bà đào móng có sự chứng kiến của của gia đình bà Cương nên không có sự lấn chiếm.
Thực tế, thửa đất nguyên là đất đồi nên xác định diện tích, mốc giới sau khi san gạt mặt bằng, không thể cắm mốc theo hiện trạng cũ, trong khi giấy tờ mua bán đất của bà Cương không rõ ràng về diện tích.
UBND thị trấn đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Bà Cương làm đơn KN lên Chủ tịch UBND huyện. qua kiểm tra, xác minh, UBND huyện kết luận: Hộ bà Mai không lấn chiếm đất của hộ bà Cương. Không đồng ý với kết luận của UBND huyện, bà Cương tiếp tục gửi đơn KN lên UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp xác minh, giải quyết, bà Cương không thỏa đáng. Vụ khiếu kiện 1,6m2 đất kéo dài hơn hai năm và trở thành “kỳ án” có một không hai ở Sơn La.
Tháng 7/2014, Thanh tra huyện đưa ra phương án giải quyết “kỳ án 1,6m2 đất”: Thanh tra trực tiếp kiểm tra lại hồ sơ mua bán đất của hộ bà Cương. Đồng thời gặp gỡ bà Cương với danh nghĩa tình cảm để tìm hiểu nguyện vọng của bà Cương.
Anh Sơn cho biết, bản chất vụ kiện không phải vì 1,6m2 đất. Cái chính là bà Cương muốn cơ quan chức năng làm rõ, trong hai gia đình, ai đúng, ai sai. Bắt được mạch, đoán được “bệnh”, Thanh tra đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức đối thoại giữa hai gia đình với lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan chức năng. “Nói phải củ cải cũng phải nghe”. Vụ “kỳ án 1,6m2 đất” kết thúc trong không khí hòa thuận.
Anh Sơn cho biết, khi giải quyết KN TC ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu chỉ thanh tra, xác minh rồi áp dụng điều này, điều kia để kết luận thì không đem lại hiệu quả. Ngược lại, sẽ xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, đơn cử như hai “kỳ án” trên. Thực tế, các vụ KN, TC ở Yên Châu đều xuất phát từ những vấn đề thiết thực với đời sống của người dân. Giải quyết thấu tình, đạt lý vụ khiếu kiện là cơ sở vững chắc, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Gần dân, thân tình với dân, lắng nghe dân nói và nói cho dân nghe, dân hiểu đó là cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng để người dân tin tưởng, gần gũi với cán bộ thanh tra.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Hải Hà
12:54 15/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân