Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thanh tra: Triển khai gần 140.000 cuộc thanh tra, kiểm tra

Thứ ba, 11/07/2017 - 06:24

(Thanh tra)- Ngày 10/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Văn Thanh, Đặng Công Huẩn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị

Chuyển cơ quan điều tra 49 vụ

Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho biết, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 

Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 29,5 nghìn tỷ đồng, hơn 4,9 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 19,5 nghìn tỷ đồng và hơn 4,6 nghìn ha đất, đã thu hồi hơn 5,5 nghìn tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 9,9 nghìn tỷ đồng, 302 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; ban hành 82.074 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), trong 6 tháng đầu năm, tình hình KN,TC của công dân có xu hướng tăng cả số vụ việc, đoàn đông người và tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Tây Ninh, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh… Ở một số địa phương đã xảy ra hiện tượng công dân tập trung đông người biểu tình, phản đối chính quyền địa phương, thậm chí gây rối, ngăn cản, bắt giữ cán bộ thi hành nhiệm vụ.

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 197.697 lượt công dân với 125.512 vụ việc, có 2.716 đoàn đông người. Trong đó, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp 7.032 lượt người với 2.256 vụ việc, có 186 đoàn đông người; các bộ, ngành, địa phương đã tiếp 190.665 lượt công dân với 123.256 vụ việc; có 2.530 lượt đoàn đông người. 

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã xử lý 88.991 đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số 155.409 đơn đã tiếp nhận; có 34.051 đơn KN, 9.934 đơn TC với 16.185 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước; giải quyết 11.606/16.114 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, đạt 72%. Thông qua công tác giải quyết KN,TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho 750 công dân số tiền 32 tỷ đồng, 4ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 142 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 3 đối tượng.

Về việc rà soát các vụ việc KN,TC phức tạp, kéo dài, đến nay đã cơ bản hoàn thành Kế hoạch số 1130; tiếp tục thực hiện Kế hoạch 2100 và rà soát các vụ việc đông người, phức tạp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN, lãng phí. Trong 6 tháng đầu năm, ngành Thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. 

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc cần thảo luận tháo gỡ, trao đổi những bài học kinh nghiệm qua thực tiễn công tác của đơn vị; đồng thời đưa ra những giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ, có hiệu quả trong thời gian tới. 

Giải quyết 85% các vụ việc KN,TC mới phát sinh

Phát hiểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao kết quả đạt được của toàn ngành Thanh tra cả nước, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn vất vả và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2017.

“Trong thời gian tới, ngành Thanh tra tiếp tục tập trung thực hiện theo kế hoạch thanh tra 2017 (gắn với thanh tra đột xuất). Quan tâm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, trong đó, thanh tra hành chính phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chú ý các lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; thanh tra chuyên ngành cần quan tâm đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh. 

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TTCP và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đã cảm ơn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dành thời gian đến dự Hội nghị và phát biểu chỉ đạo, đồng thời giao nhiệm vụ cho ngành Thanh tra 6 tháng cuối năm 2017. Những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ được ngành Thanh tra tiếp thu và được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác của TTCP và ngành Thanh tra trong năm 2017.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đã yêu cầu toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư KN,TC; thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao.  

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 33 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra. Kiểm tra việc xây dựng, thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2017. 

Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan xây dựng định hướng công tác thanh tra năm 2018 và hướng dẫn các cơ quan Thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018, bảo đảm kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế chồng chéo... 

Về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu mô hình mới, chính sách mới nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả KN,TC của công dân ngay tại địa phương, cơ sở khi mới phát sinh. 

Quan tâm xem xét, xử lý, giải quyết các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của TTCP, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã thống nhất tại các Hội nghị giao ban công tác giải quyết các vụ việc KN,TC phức tạp, đông người nhằm đạt được mục tiêu giảm KN đông người, phức tạp, vượt cấp.

Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc KN,TC, phấn đấu đạt trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt trên 80%.  Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KN,TC.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCTN; hoàn thiện dự án Luật PCTN sửa đổi; đồng thời xây dựng các văn bản về công tác PCTN, bảo đảm sự đồng bộ và nâng cao hiệu lực của pháp luật về PCTN. Tăng cường công tác nắm tình hình về tham nhũng nhằm phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời phát hiện bất cập, thiếu sót, vi phạm trong công tác PCTN tại bộ, ngành, địa phương. 

Đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật PCTN. Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về  PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Phương Hiếu - Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm