Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngành Thanh tra triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Chủ nhật, 31/01/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Khép lại năm 2020 với nhiều khó khăn, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kịp thời triển khai và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên tập trung chỉ đạo, hướng dẫn ngành Thanh tra triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trên các mặt công tác với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) đến TTCP để dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra. Ảnh: Hoàng Yến

Nhiều cuộc thanh tra phức tạp được dư luận đặc biệt quan tâm

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã kịp thời đề ra phương án điều hành linh hoạt công tác của ngành để ứng phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo thực hiện “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “mục tiêu kép” để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Trong công tác thanh tra, TTCP và ngành Thanh tra đã bám sát định hướng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng kế hoạch thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nhất là triển khai các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu về tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi nền kinh tế nhiều đơn vị đã kịp thời rà soát, điều chỉnh việc triển khai kế hoạch thanh tra đối với doanh nghiệp; một số đơn vị đã thí điểm thực hiện công tác thanh tra theo phương thức mới. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra đã được cải thiện rõ rệt.

Ngành Thanh tra cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã và đang triển khai, trong đó có những cuộc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm do TTCP triển khai như: Thanh tra toàn diện Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc; thanh tra công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất (SDĐ), môi trường tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kiên Giang; kiểm tra, xác minh việc điều chỉnh mức giá bán điện thời điểm ngày 20/3/2019; thanh tra các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Dự án Nhiệt điện thái Bình II và chuyển nhượng quyền SDĐ và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra được thanh tra các địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và Tây Ninh đã thực hiện đôn đốc việc thực hiện nhiều kết luận thanh tra.

Việc tham mưu ban hành Định hướng Chương trình công tác thanh tra năm 2021 và tổ chức thực hiện có nhiều điểm mới, quyết liệt, bám sát chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tiễn. Ngành Thanh tra đã chủ động phối hợp với Kiểm toán Nhà nước trước, trong và sau khi xây dựng định hướng, kế hoạch; tổ chức hội nghị thanh tra các bộ, ngành để triển khai Định hướng Chương trình công tác thanh tra năm 2021.

Cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc

Công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) được quan tâm, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án triển khai, phát sinh đơn thư KN,TC liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; hoặc triển khai thực hiện các biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Trong đó, trọng tâm là tập trung cao nhất cho công tác TCD, giải quyết KN,TC góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong các dịp lễ, Tết, các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Ngành Thanh tra cũng thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm trong công tác TCD, giải quyết KN,TC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, tổ chức. Việc giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tình hình KN,TC có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2019 (giảm 17,4% số lượt người, 18% lượt đoàn đông người, 11,6% số đơn tiếp nhận và 11,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền).

Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của TTCP và các bộ, ban, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác PCTN tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Ngành Thanh tra đã tập trung triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Công tác sơ kết, tổng kết các văn bản của Trung ương, Chính phủ về công tác PCTN được quan tâm, qua đó tham mưu, đề xuất chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Các mặt công tác khác của ngành Thanh tra như cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế và xây dựng ngành, cũng được triển khai đồng bộ, linh hoạt, đạt nhiều kết quả trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, TTCP.

Tồn tại, hạn chế có nguyên nhân ảnh hưởng từ Covid-19

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, trong đó có nguyên nhân chính là từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đó là còn nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; vẫn còn vài cuộc thanh tra còn kéo dài; công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra của toàn ngành có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ thu hồi về kinh tế trong kỳ còn thấp.

Việc TCD định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành và việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện TCD, xử lý đơn đã có chuyển biến nhưng chưa thường xuyên. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết KN, kết luận xử lý TC có hiệu lực pháp luật một số vụ việc chưa dứt điểm, còn để kéo dài.

Một số nhiệm vụ công tác PCTN thực hiện còn chậm so với kế hoạch; tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen cho TTCP vì có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN. Ảnh: Hoàng Yến

Hoạt động thanh tra cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, TTCP và ngành Thanh tra sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác thanh tra, TCD, giải quyết KN, TC, PCTN và xây dựng ngành.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thanh tra thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Theo đó, nội dung, đối tượng thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay. Tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất trên các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm.

Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Đổi mới cách thức tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Làm tốt công tác giải quyết KN, TC phục vụ bầu cử

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về TCD, giải quyết KN, TC, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC; Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KN,TC; Quy định số 11- QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Luật KN, Luật TC 2018, Luật TCD, Nghị định quy định chi tiết thi hành các luật này và hướng dẫn nghiệp vụ công tác TCD, xử lý đơn, giải quyết KN,TC.

Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc KN, TC phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc liên quan đến nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tăng cường phối hợp kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc KN, TC đông người, phức tạp kéo dài theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP của TTCP. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật. Quan tâm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, qua đó giải quyết căn bản tình hình KN, TC phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thanh tra, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm thực hiện pháp luật về TCD, giải quyết KN, TC của các ngành, các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ việc KN, TC đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng.

Nâng cao hiệu quả công tác PCTN

Tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là Luật PCTN năm 2018, các quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN khu vực ngoài Nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Tập trung xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan hoạt động của ngành Thanh tra, trọng tâm là xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi); ban hành đồng bộ các quy trình nghiệp vụ về thanh tra, TCD, giải quyết KN, TC, PCTN để làm cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động thanh tra ngày càng hiệu quả.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, TCD, giải quyết KN, TC và PCTN nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân.

Quan tâm thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, xây dựng ngành Thanh tra ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2020, ngành Thanh tra đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể, 485 cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 97 vụ, 99 đối tượng. 

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 384.435 lượt công dân, có 3.479 đoàn đông người; xử lý 180.204 đơn đủ điều kiện trong tổng số 288.021 đơn đã tiếp nhận; giải quyết 22.133/25.856 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền (đạt 85,6%). Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 894 tỷ đồng, trên 107ha đất; trả lại quyền lợi cho 993 người, kiến nghị xử lý hành chính 503 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ, 3 đối tượng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm