Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số

Phương Anh

Thứ sáu, 29/10/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Là một trong những hoạt động quan trọng trong việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dân số, thời gian qua, thanh tra ngành Dân số đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của công tác dân số cũng như của ngành Thanh tra. Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục được kiện toàn nhằm phát huy năng lực, hiệu quả.

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình kiểm tra tại các nhà sách trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai

Ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, thanh tra chuyên ngành (TTCN) dân số được thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN và hoạt động TTCN.

Để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về chương trình hành động của Chính phủ. Theo đó, một trong các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ giao thực hiện là ban hành "kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra dân số".

Trong thời gian qua, về cơ bản, hệ thống TTCN dân số đã kiện toàn, bao gồm ban hành quyết định thành lập bộ phận tham mưu, giao chức năng, nhiệm vụ cho bộ phận tham mưu, giao công chức thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Thực hiện Quyết định số 2176/QĐ-TTg ngày 4/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn nâng cao năng lực TTCN dân số cho công chức thuộc tổng cục và chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố để đảm bảo có lực lượng TTCN theo Luật Thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TTCN dân số.

Theo thống kê, từ 2015 trở về đây, hàng năm, Tổng cục DS-KHHGĐ đều tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn nâng cao năng lực TTCN dân số cho công chức thuộc tổng cục và chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ TTCN dân số cho công chức thuộc tổng cục và chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố với 160 công chức tại 62 chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành phố; tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho gần 200 công chức, viên chức làm công tác dân số tại chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố.

Hiện nay, đã có 63/63 chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố cử công chức tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ, được cấp chứng chỉ TTCN dân số; 62/63 chi cục DS-KHHGĐ thành lập bộ phận tham mưu công tác TTCN (trừ tỉnh Sơn La); 59 tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định giao công chức thực hiện nhiệm vụ TTCN dân số.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 137/NQ-CP, Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DS-KHHGĐ, đã xây dựng kế hoạch kiện toàn hệ thống TTCN dân số, trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành (Quyết định số 5745/QĐ-BYT ngày 10/12/2019) và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt trong phạm vi cả nước.

Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, TTCN các tỉnh, thành phố đã thực hiện 237 cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về dân số, bao gồm các cuộc do chi cục tự triển khai, phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông và tham gia cùng Sở Y tế.

Tổng số vụ vi phạm hành chính được phát hiện, xử lý có 7 vụ. Đã ban hành quyết định xử phạt, thu hồi 2 cuốn sách có nội dung vi phạm nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, thu nộp phạt 190 triệu đồng.

Bước đầu, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về dân số đã được triển khai thực hiện; thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước được giao. Thông qua kiểm tra, nắm bắt tình hình, phát hiện những tồn tại, bất cập và tìm hiểu nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về DS-KHHGĐ, các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về DS-KHHGĐ; kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về DS-KHHGĐ; kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, hiện nay, hoạt động TTCN dân số còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, một số điều kiện bảo đảm chưa được đáp ứng khi triển khai hoạt động TTCN như chưa được cấp thẻ, trang phục. Hiện, chỉ có một cơ sở được thực hiện bồi dưỡng, cấp chứng chỉ TTCN dân số, số lượng học viên yêu cầu 60-80 người /lớp, trong khi số lượng công chức được cử tham dự không đáp ứng được về số lượng, khoảng cách địa lý xa, không đáp ứng được nhu cầu thời gian, kinh phí của cơ quan, người cử đi học. Quy trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tiêu chí đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được xây dựng; tài liệu chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra còn thiếu làm hạn chế hiệu quả công việc khi tổ chức các buổi thanh tra trên địa bàn.

Hệ thống dân số ở địa phương có nhiều biến động nên công tác kiện toàn TTCN chưa thực sự được đồng bộ. Công tác TTCN hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Hơn nữa, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng có rất nhiều khó khăn khác, ông Sơn dẫn chứng, có những vụ việc vi phạm trên mạng internet được phát hiện, nhưng do máy chủ để ở nước ngoài nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.

Để khắc phục những hạn chế này, Tổng cục DS-KHHGĐ đề xuất Thanh tra Chính phủ phân cấp việc tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ TTCN cho Thanh tra Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ để có đủ tiêu chuẩn, điều kiện ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho công chức thanh tra dân số.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm bố trí kinh phí hàng năm và bảo đảm nguồn kinh phí đủ để cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác TTCN dân số. Xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chế độ bồi dưỡng đối với công chức được giao thực hiện chức năng TTCN nhằm động viên, khuyến khích công chức TTCN thực hiện có hiệu quả công tác TTCN.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm