Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mô hình hợp nhất cơ quan thanh tra và kiểm tra Đảng chưa có cơ sở

Thứ sáu, 24/11/2017 - 13:31

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo khoa học do Viện Khoa học Thanh tra tổ chức ngày 24/11 với chủ đề" Mô hình cơ quan kiểm tra, thanh tra theo đề xuất của Chính phủ".

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra Nhà nước và cơ quan kiểm tra Đảng; các nhu cầu thực tiễn cho việc kết hợp giữa 2 cơ quan; kinh nghiệm hợp nhất giữa 2 cơ quan từ Trung Quốc; thẩm quyền của cơ quan thanh tra Nhà nước,cơ quan kiểm tra Đảng; những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan kiểm tra Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hai cơ quan này trong thời gian vừa qua; đồng thời, đánh giá khả năng kết hợp giữa 2 cơ quan...

Việc kết hợp hoạt động thanh tra và kiểm tra Đảng xuất phát từ thực tiễn là chủ trương của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giảm bộ máy biên chế, trong đó tập trung sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo sự đồng bộ, tinh gọn, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo. 

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra Nhà nước và cơ quan kiểm tra Đảng, giữa hai cơ quan này có các chức năng, nhiệm vụ tương đồng là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Đảng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và xử lý sai phạm theo quy định.

Bàn về mô hình hợp nhất 2 cơ quan thanh tra và kiểm tra, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc hợp nhất giữa hai cơ quan mới chỉ xuất phát từ cơ sở lý luận mà thiếu các tiêu chí thực tiễn. 

Đồng quan điểm trên, đại diện Viện Khoa học Nhà nước cho rằng, việc sáp nhập giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra Đảng là một vấn đề phức tạp, do vậy đề xuất chỉ nên đưa ra quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trên nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.

Theo quan điểm của Bộ Nội vụ, chưa có cơ sở để sát nhập 2 cơ quan hiện nay. Lý giải cho vấn đề này, vị này đưa ra chính quyền Nhà nước và Đảng là 2 thực thể hoàn toàn khác nhau, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nên không thể sát nhập được, có hay chăng chỉ nên đưa ra quy chế phối hợp.

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, nếu việc sáp nhập giữa hai cơ quan này được thực hiện sẽ không bao quát hết các lĩnh vực thanh tra, đặc biệt là hoạt động thanh tra chuyên ngành liên quan đến các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội. 

TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cho rằng, mô hình cơ quan thanh tra, kiểm tra hiện nay không phổ biến trên thế giới. Hiện, Trung Quốc và Lào đang áp dụng mô hình một nhà hai cửa, tuy nhiên hoạt động thanh tra và kiểm tra vẫn tách biệt, cho nên việc đưa ra thuật ngữ “hợp nhất” giữa một bên là cơ quan nắm quyền lực chính trị, một bên là cơ quan hành pháp là không hợp lý. Do vậy, cũng có ý kiến đề xuất chuyển thanh tra sang Quốc hội, theo đó, cơ quan thanh tra sẽ nhập với kiểm toán. 

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình cơ quan thanh tra, kiểm tra của Trung Quốc, đại diện Ban Nội chính Trung ương cho biết, hiện Trung Quốc đang tiến hành thí điểm mô hình một nhà hai cửa tại 4 tỉnh, với 3 hoạt động (3 tra): Thanh tra, kiểm tra, điều tra, mô hình cơ quan này hoạt động theo tiêu chí một cơ quan với hai tên gọi. Nhìn chung, hoạt động của mô hình này đang từng bước đem lại hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra.

Thái Hải


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm