Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lực lượng thanh tra “mỏng”, khó thực hiện nhiệm vụ

Thứ ba, 18/09/2018 - 06:25

(Thanh tra)- Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến tháng 6/2018, cán bộ thanh tra các Sở GD&ĐT là 290 người (so với năm học trước giảm 7 người). Biên chế “mỏng” cộng với nhiệm vụ thanh tra khối sở GD&ĐT rất nặng nề, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học.

Lực lượng thanh tra sở GD&ĐT "mỏng", khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Ảnh minh họa: Hải Hà

Nhiều sở chỉ có 3 cán bộ thanh tra

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay, vẫn còn hàng loạt sở GD&ĐT chưa kịp thời bổ nhiệm vào ngạch thanh tra cho cán bộ thanh tra như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Nam Định, Sơn La, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Trong khi đó, ở nhiều sở GD&ĐT số lượng thanh tra còn ít, khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học. Sở GD&ĐT các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Gia Lai, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bắc Kạn năm học 2017-2018 chỉ có 3 cán bộ thanh tra.

Vẫn còn có sở GD&ĐT chỉ có Chánh Thanh tra mà chưa có Phó Chánh Thanh tra là Hà Giang, còn tại 2 Sở GD&ĐT Lạng Sơn và Quảng Nam thì chưa có Chánh Thanh tra. 

Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: Số lượng các đoàn thanh tra đột xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhiều chiếm gần 30% tổng số đoàn thanh tra triển khai trong năm, với số lượng thanh tra viên ít, trình độ năng lực chưa đồng đều cũng gây áp lực lớn trong việc đảm bảo thời hạn thanh tra và chất lượng của cuộc thanh tra.

Theo Thanh Tra Sở GD&ĐT TP HCM, hiện ở thành phố vẫn còn tình trạng gửi đơn thư vượt cấp nên Thanh tra Sở cùng một nội dung phải báo cáo với nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Công việc nhiều, việc phối hợp của các cơ quan có liên quan trong giải quyết đơn thư đôi lúc còn chậm, ảnh hưởng tiến độ chung của Thanh tra Sở.

Thanh tra Sở GD&ĐT Long An chia sẻ, với biên chế hiện tại là 4 người (1 Chánh Thanh tra và 3 thanh tra viên), kể từ khi thành lập cho đến nay nhân sự luôn trong tình trạng biến động cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm bị hạn chế. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, Thanh tra Sở thực hiện phối hợp với Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lực lượng “mỏng” như vậy, nhưng việc tuyển dụng thêm người vào công tác tại thanh tra các sở GD&ĐT là vô cùng khó. Mặc dù Chỉ thị số 5972 năm 2016 của Bộ GD&ĐT có yêu cầu phải kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra. Các sở GD&ĐT đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ thanh tra để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra; cán bộ thanh tra phụ trách lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; phụ trách tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; theo dõi xử lý sau thanh tra... Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục như hiện nay thì số lượng thanh tra các sở khó đảm bảo được như yêu cầu.

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên 

Quy mô trường lớp học ngày càng tăng, do đó, nhiệm vụ của thanh tra các sở GD&ĐT càng nặng nề. Để thực hiện công việc được giao, những năm qua, các sở GD&ĐT đã bổ sung lực lượng cộng tác viên thanh tra. Năm học 2017-2018, các sở GD&ĐT đã xây dựng hơn 13 nghìn cộng tác viên thanh tra giáo dục (CTVTTGD).

Đây là những là công chức thuộc cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục và giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong công tác quản lý chuyên môn hoặc có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực, trong từng môn học, bậc học.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CTVTTGD, ngoài tập huấn thường xuyên, các sở GD&ĐT còn phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục hoặc Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng CTVTTGD.

Năm học 2017-2018, đã bồi dưỡng được 2.555 CTVTTGD của 13 tỉnh. Đến tháng 7/2018, toàn quốc còn 10 sở GD&ĐT chưa triển khai được công tác bồi dưỡng nghiệp vụ CTVTTGD theo Thông tư 24/2016 của Bộ GD&ĐT.

Thanh tra Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Hiện tại, biên chế Thanh tra tại sở này có 4 người (1 Chánh Thanh tra, 2 Phó Chánh thanh tra và 1 công chức thanh tra chuyên trách tài chính). Tổng số cộng tác viên thanh tra nhiệm kỳ 2016-2019 là 476 người. Từ thực tế tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, Thanh tra Sở GD&ĐT Hưng Yên nhấn mạnh: “Biên chế thanh tra các Sở GD&ĐT ít, nhiệm vụ thanh tra lại rất nặng nề, nên chúng tôi rất khó khăn trong việc bố trí cán bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra”.

Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, dù có lực lượng CTVTTGD, nhưng với biên chế không đảm bảo đầu công việc của Thanh tra Sở thì khó có thể đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra. Đó là chưa kể chu kỳ công nhận CTVTTGD là giáo viên của các cơ sở giáo dục chỉ 3 năm, lực lượng này được bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định; sau 3 năm hoặc ít hơn thời gian 3 năm có được thể luân chuyển hoặc chuyển công tác khác theo yêu cầu của ngành, gây lãng phí. Vì vậy, đề xuất, cần có cơ chế hoặc kéo dài thời gian công nhận hơn.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm