00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển đổi số để xây dựng cơ quan thanh tra hiện đại, minh bạch

Hương Giang

Thứ sáu, 31/01/2025 - 06:30

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ quyết tâm xây dựng cơ quan thanh tra hiện đại, minh bạch, hiệu quả thông qua áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện, theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số còn góp phần xóa bỏ môi trường cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đặc biệt, vào cuối tháng 12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57, khẳng định “phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”.

Trong không khí mừng Xuân, chúng ta ngẫm nghĩ những lời hiệu triệu và giải pháp nền tảng, để từ đó cụ thể hóa, bảo đảm nguồn lực cho công cuộc chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ trong ngành Thanh tra.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Chuyển đổi số toàn diện

“Kế hoạch chuyển đối số năm nay, Thanh tra Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng cơ quan thanh tra hiện đại, minh bạch, hiệu quả”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Ông nhấn mạnh, thông qua áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các dịch vụ công, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để chuyển đổi số thành công, theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, cần phải có những giải pháp trọng tâm, phù hợp để triển khai thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện hơn.

“Con người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới”, ông Nguyễn Văn Cường nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Với quan điểm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, dễ khen thưởng, kế hoạch chuyển đổi số năm 2025, Thanh tra Chính phủ đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, cũng như giải pháp thực hiện.

Bên cạnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thanh tra Chính phủ sẽ định kỳ đánh giá hiệu quả kết quả đạt được khi thực hiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các chính sách chuyển đổi số để cải cách hành chính như chuẩn hóa, đơn giản hoá, số hoá quy trình, hồ sơ thủ tục hành chính; giảm thiểu giấy tờ truyền thống được đánh giá trước hết.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; kiện toàn biên chế chuyên trách công nghệ thông tin để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030, là những nhiệm vụ tiếp theo được Thanh tra Chính phủ triển khai.

Dữ liệu “dọc, ngang thông suốt” trên toàn quốc

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Trong đó, đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Cường cho biết, Thanh tra Chính phủ đang từng bước tạo lập kho dữ liệu số ngành Thanh tra đáp ứng các yêu cầu cập nhật thông tin, kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin.

Song song là đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số; sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ kịp thời đưa ra các quyết sách trong công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ quyết tâm hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” vào cuối tháng 5 năm nay.

“Cơ sở này sẽ xác định rõ quy mô, phạm vi của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phương án phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tạo lập, quản lý, cập nhật, chia sẻ, khai thác bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, “dọc, ngang thông suốt” trên quy mô quốc gia, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Chủ trương đầu tư Dự án “Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo” cũng sẽ được hoàn thành, bảo đảm kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để chính thức triển khai trong trung hạn 2026-2030.

Ngoài ra, kinh tế số và xã hội số được lồng ghép trong công tác thanh tra. Mục tiêu là hướng tới xây dựng môi trường xã hội dựa trên nền tảng số, đảm bảo sự tương tác và trao đổi thông tin với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, dễ dàng.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường tin tưởng Báo Thanh tra sẽ chuyển đổi số tại Báo Thanh tra sẽ tốt hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào xây dựng Cơ quan Thanh tra Chính phủ hiện đại và minh bạch. Ảnh: P.Hiếu

Khẳng định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung cao độ trong năm 2025 để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường bày tỏ, điều này cũng để thực hiện gửi gắm của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình là “thanh tra phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội”, “mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, phép nước, duy trì trật tự pháp luật trong đời sống xã hội, chứ không phải chỉ xử lý vi phạm”.

Công tác chuyển đổi số trong năm 2024 tại Báo Thanh tra đã có những kết quả ấn tượng bước đầu. Cùng với xây dựng CMS mới với nhiều tính năng của báo chí hiện đại, các hệ sinh thái mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… được phát triển đã giúp Báo Thanh tra “hút” thêm rất nhiều bạn đọc.

Đặc biệt, việc triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử, phần mềm Eoffice, không chỉ bảo đảm minh bạch trong chỉ đạo, điều hành, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí, từ đó, tăng năng suất, hiệu quả công việc.

“Chuyển đổi số tại Báo Thanh tra cần tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa trong năm 2025”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường gửi gắm. Theo ông, báo thực hiện chuyển đổi số tốt, kết hợp với nâng cao chất lượng nội dung thì hiệu quả kinh tế cũng sẽ gặt hái được những trái ngọt.

Ông chia sẻ tin tưởng “với sự nỗ lực, tận tụy và năng động, Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào xây dựng Cơ quan Thanh tra Chính phủ hiện đại và minh bạch”.

Thành quả chuyển đổi số 2024

- 100% các đơn vị trực thuộc có mạng LAN nội bộ, kết nối Internet cáp quang, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của cơ quan Đảng, Nhà nước.

- Hệ thống quản lý khiếu nại, tố cáo được quản lý và xử lý thông qua hệ thống số hoá, giúp loại bỏ các đơn thư trùng lặp, theo dõi tiến độ xử lý và đảm bảo tính minh bạch trong quy trình. Hệ thống cũng cho phép liên thông dữ liệu với thanh tra các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc.

- Dữ liệu về thanh tra, kiểm tra được lưu trữ và quản lý thành cơ sở dữ liệu điện tử, tăng cường khả năng truy xuất chia sẻ thông tin nhanh chóng, chính xác giữa các bộ phận và cơ quan liên quan, giảm bớt các thủ tục hành chính.

- Xây dựng và đưa vào vận hành Mô hình Tiếp công dân trực tuyến. Tính đến giữa tháng 12/2024, đã có 28/63 địa phương kết nối với Ban Tiếp công dân Trung ương; tổ chức thành công 7 buổi tiếp công dân trực tuyến do lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì với các địa phương, gồm: Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hoá.

- Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) tại cơ quan đạt 90%.

- Công khai thông tin về các hoạt động thanh tra, kết luận thanh tra giúp người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi và giám sát. Điều này không chỉ nâng cao sự minh bạch trong quản lý Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh, kiến nghị.

Năm 2024 là năm Tạp chí Thanh tra đẩy mạnh toàn diện về công tác chuyển đổi số. Trong đó đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, triển khai thực hiện với lộ trình cụ thể như: Thực hiện xử lý toàn bộ 100% văn bản đi và đến (trừ văn bản mật) trên hệ điều hành E-office, áp dụng chữ ký số (của lãnh đạo tạp chí) đối với toàn bộ văn bản đi.

Sửa đổi, nâng cấp toàn diện hệ thống CMS của tạp chí, áp dụng một nền tảng duy nhất cho cả tạp chí in và tạp chí điện tử, cho cả các nền tảng đa phương tiện (video, podcast…) và bài text.

Đã xong giao diện mới theo hướng hiện đại, thân thiện với người dùng, theo các chuyên mục, cây chuyên mục trong đề án xin cấp phép được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

Đã thành lập và phân công, quy định quản lý nội dung, vận hành trang Fanpage Thanhtravietnam, thực hiện chia sẻ các nội dung đăng tải trên tạp chí điện tử, kênh truyền thông trên Tiktok và Youtube của Tạp chí Thanh tra. Đồng thời, sản xuất các video ngắn đăng tải trên trang điện tử và cả 3 nền tảng này. Đến cuối tháng 11, đã tự sản xuất được các video ngắn, tự sản xuất podcast và video dài.

Được Bộ Thông tin và Truyền thông chấm điểm trưởng thành chuyển đổi số đạt mức 72,4/100 điểm (loại khá).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra tỉnh Tây Ninh: Gắn công tác thi đua khen thưởng với nhiệm vụ chính trị của ngành

Thanh tra tỉnh Tây Ninh: Gắn công tác thi đua khen thưởng với nhiệm vụ chính trị của ngành

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tây Ninh yêu cầu công tác thi đua khen thưởng phải gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng, nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, đất nước.

Cảnh Nhật

12:50 24/02/2025

Tin mới nhất

Xem thêm
//