Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ ba, 07/07/2020 - 10:36

(Thanh tra)- Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) là căn cứ quan trọng, yếu tố quyết định giúp các bên trong vụ việc có liên quan xác định được sự thật khách quan, giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá, xác định, kết luận hay kiến nghị đúng bản chất.

Toàn cảnh hội thảo góp ý Đề cương "Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC". Ảnh: TH

Theo ThS Nguyễn Sỹ Giao, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), Chủ nhiệm Đề tài "Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC", hiện nay, kết quả thực hiện pháp luật thanh tra, giải quyết KN, TC trong thời gian gần đây cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa triệt để và pháp luật quy định về chứng cứ chưa đầy đủ, thậm chí có những quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Vì vậy, cần đòi hỏi cấp thiết phải có nghiên cứu, phân tích thấu đáo về lý luận, pháp lý và thực tiễn để đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật, cũng như nâng cao chất lượng thu thập, đánh giá chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC.

Mặt khác, chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC là căn cứ quan trọng, yếu tố quyết định giúp các bên trong vụ việc có liên quan xác định được sự thật khách quan, giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá, xác định, kết luận hay kiến nghị đúng bản chất. Từ đó có thể thấy kết quả thanh tra, giải quyết KN, TC có thỏa mãn yêu cầu đặt ra hay không trước hết phụ thuộc vào việc thu thập và đánh giá chứng cứ theo trình độ, thủ tục quy định pháp luật.

Theo ông Giao, Đề tài dự kiến có kết cấu làm 3 chương: Một số vấn đề lý luận về chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC; thực trạng thực hiện pháp luật về chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC; giải pháp nâng cao chất lượng chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC.

Góp ý tại hội thảo hoàn thiện đề cương Đề tài, TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, tên Đề tài “Chứng cứ pháp lý trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC” là gồm 3 nội dung lớn rất rõ ràng, vì vậy, Ban Chủ nhiệm cần làm rõ chứng cứ là gì thì mới xác định được mục tiêu của Đề tài, sau đó đi giải quyết mục tiêu.

Đi vào cụ thể, ông Hùng cho rằng, ở Chương I, Ban Chủ nhiệm cần làm rõ khái niệm về chứng cứ, bao gồm chứng cứ thanh tra, chứng cứ KN và chứng cứ TC; nội dung nghiên cứu cụ thể của Đề tài; xác định vai trò và những yếu tố ảnh hưởng.

Ở Chương II, cũng cần tách riêng làm 3 thực trạng hoạt động (thanh tra, giải quyết KN, TC); từ đó đánh giá theo 3 hướng trên để xác định, khai thác và sử dụng chứng cứ như thế nào ở hoạt động thanh tra, KN, TC.

Ngoài ra, ở Chương III, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao giải pháp nâng cao chất lượng chứng cứ cũng đều tách làm 3 phần ở 3 góc độ thanh tra, KN, TC…

TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT đưa ý kiến, Đề tài khai thác từ góc độ thực tiễn là rất cần thiết, hiện tại ở góc độ thanh tra đang thiếu căn cứ để tìm nguồn chứng cứ, giá trị chứng minh, đối tượng chứng minh như thế nào cho chính xác.

Dưới góc độ lý luận, theo TS Khanh, Ban Chủ nhiệm cần tìm hiểu rõ, chứng cứ dùng để chứng minh cái gì, Ban Chủ nhiệm Đề tài không nên dùng cụm từ “đối tượng chứng minh” mà nên dùng “những vấn đề phải chứng minh”; cụm từ “chất lượng của chứng cứ” cũng đang rất mơ hồ, Ban Chủ nhiệm cần nghiên cứu để thay bằng cụm từ khác.

Bên cạnh đó, Chương I, đang quá ôm đồm, cần gom lại: Quan điểm của Đề tài; thẩm quyền trình tự thủ tục (giao nộp, thu thập, sử dụng chứng cứ, bảo quản chứng cứ); các yếu tố tác động đến các vấn đề thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Tuấn Khanh, bà Phạm Thị Thu Hiền cho rằng, Chương I, Đề tài cần đưa vấn đề tập trung chứ không dàn trải như hiện nay.

Mặt khác, về mặt câu từ, Đề tài cần thống nhất giữa các cụm từ, cũng chính là những nội dung nghiên cứu, việc thu thập, xác minh, đánh giá, sử dụng thì cần phải làm rõ, tập trung vào các nội dung chính.

Bà Hiền cũng góp ý kiến trực tiếp vào phần nội dung, đặc điểm, khái niệm nguồn chứng cứ. Bên cạnh đó, trước khi đánh vai trò của chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC, Ban Chủ nhiệm phải đưa ra khái niệm, đặc điểm sau đó mới đánh giá tới vai trò rồi đánh giá luôn những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của chứng cứ.

Ở Chương III, nên lồng ghép giải pháp và quy trình nâng cao chất lượng chứng cứ trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC.

Trưởng phòng Tổng hợp Quản trị, bà Phạm Thị Huệ đưa thêm ý kiến nhỏ, vấn đề chứng cứ trong hoạt động thanh tra hiện không đặt ra vì các văn bản Luật Thanh tra trước đây không quy định về chứng cứ mà chỉ là chuyên đề bồi dưỡng của Trường Cán bộ thanh tra. Hiện nay, chỉ có chứng cứ thu thập từ các trình tự, thủ tục chặt chẽ do các Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự và Bộ Luật tố tụng quy định.

“Do vậy, khi đã là sự thật khách quan rồi thì nghiễm nhiên là sẽ kết luận được là “có tội” hay “không có tội””. Còn trong hoạt động thanh tra, bản chất của chứng cứ trong hoạt động thanh tra, KN, TC khác hơn nhiều với trong hoạt động TC, vì thế Ban Chủ nhiệm cần phải phân định rõ chứng cứ trong hoạt động thanh tra khác với Luật Dân sự và Luật Hình sự như thế nào?”, bà Huệ đưa nhận định.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm