Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 21/09/2016 - 20:41
(Thanh tra) - Quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật… làm cho cải cách tổ chức bộ máy phục vụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả hạn chế.
Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng
Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ
Có biểu hiện lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cho biết, các cấp, ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 5.715 lượt cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật còn chưa thường xuyên, hình thức, chưa kiên quyết, còn có hiện tượng nể nang, e ngại cán bộ thuộc diện chuyển đổi vị trí phản ứng, thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.
“Có những vị trí chuyển đổi khó thực hiện, có nơi còn có biểu hiện lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập người khác hoặc trục lợi cá nhân”, báo cáo Chính phủ nêu rõ.
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Việc không chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý (các chức danh này sẽ thực hiện theo quy định về luân chuyển) đã làm hạn chế hiệu quả của biện pháp này.
Bổ nhiệm người thân, cán bộ gây thất thoát lớn làm giảm lòng tin
Đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí cũng phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.
Thậm chí, có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
“Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Nga còn lưu ý, với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ…. Điều này làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phục vụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả hạn chế.
Khởi tố đối tượng tham nhũng phải kê biên tài sản ngay
Một vấn đề khác, được nhiều ý kiến quan tâm là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Theo Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
Nguyên nhân là do, việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng thi hành án.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh thẳng thắn nói, tôi thấy rằng, thời gian qua việc áp dụng biện pháp kê biên không nhiều trong vụ án tham nhũng. Cho nên, đối tượng tham nhũng mới kịp tẩu tán tài sản.
“Cái này không Quốc hội không chỉ đạo, đề nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, đặc biệt là Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can phải áp dụng ngay Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự để kê biên tài sản đối với đối tượng tham nhũng”.
Cũng theo ông Bộ, khi xử tội phạm tham nhũng thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ là có nhân thân tốt và có thành tích được khen thưởng. Bởi, có nhân thân tốt thì không tham nhũng, mà lại còn tham nhũng nhiều lần, tham nhũng với số lượng lớn và việc khen thưởng tại thời kỳ anh đã, đang tham nhũng sau đó mới phát hiện ra thì lúc khen thưởng đó là khen thưởng nhầm.
“Tôi đề nghị tòa án đánh giá và chỉ đạo không cho áp dụng các tình tiết đó thì khi xử án tham nhũng thì mới chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.
Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập là hơn một triệu người, số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng chưa phát hiện ra vi phạm. Tổng Thanh tra thẳng thắn nhìn nhận, việc kê khai tài sản, thu nhập đang còn hình thức.
Chỉ ra nguyên nhân, theo Ủy ban Tư pháp là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn khá hẹp, có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực, mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai.
Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám đứng lên tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cảnh Nhật
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Năm 2024, toàn ngành Thanh tra thành phố Hải Phòng đã triển khai 131 cuộc thanh tra hành chính tại 336 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện sai phạm 37.964 triệu đồng.
Kim Thành
08:00 12/12/2024Lâm Ánh
07:00 12/12/2024Thu Huyền
06:00 12/12/2024Thu Huyền
20:04 11/12/2024Chính Bình
15:33 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang