Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Cán bộ phải năng động, sáng tạo, tránh “mũ ni che tai”, ngồi chờ phiếu”

Hương Giang

Thứ sáu, 08/10/2021 - 07:00

(Thanh tra)- “Đã là cán bộ, nhất là những cán bộ có chiều hướng phát triển, trong quy hoạch ở cấp ủy, chính quyền, cấp chiến lược phải phát huy tính năng động, sáng tạo, tránh “mũ ni che tai”, ngồi chờ phiếu”.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nói, "là cán bộ phải có liêm sỉ, đạo đức, nhân cách của mình". Ảnh: TN

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí.

Cán bộ dám nghĩ, dám làm phải có tâm sáng

+ Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Là Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, ông nhận thấy kết luận này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Trong thực tế, xuất phát từ yêu cầu phát triển của địa phương, có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám có những quyết định mà chưa được pháp luật quy định cụ thể, mang lại lợi ích cho nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Kết luận 14 của Bộ Chính trị được ban hành rất kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Khi có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ như vậy, chúng ta sẽ huy động được sức mạnh, trí tuệ của xã hội và trong bộ máy công quyền sẽ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ để phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

+ Theo ông, làm thế nào để xác định được cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung?

- Đó là những người có cái tâm sáng khi thực hiện nhiệm vụ. Người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo thì phải có tư duy đột phá và biến tư duy đó thành hành động, công việc cụ thể mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

Quan trọng, cán bộ đưa ra đề xuất đổi mới, sáng tạo phải dựa trên cơ sở khoa học, yêu cầu thực tiễn và phải định được hiệu quả, cũng như lường trước hậu quả xảy ra, chứ không phải sáng tạo tràn lan.

Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII. Ảnh: N.Bắc

+ Kết luận này có quy định về việc xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm khi cán bộ thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại. Điều này sẽ thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của cán bộ như thế nào?

- Quy định như vậy tính năng động, sáng tạo của cán bộ sẽ được tăng lên rõ rệt trong cả hệ thống bộ máy Nhà nước. Người dân cũng sẵn sàng hiến kế cho cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, cán bộ những cách làm mà chưa được quy định.

Như tôi nói, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo phải lường trước được những vấn đề phát sinh, nếu không có khi đổ bể nhiều thứ, thậm chí vượt cả quyền của cán bộ đó.

Anh làm đúng, được tập thể, nhân dân ủng hộ, kết quả không đạt như mong muốn, nhưng hậu quả vừa phải thôi chứ. Không thể mang tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước, của nhân dân để đánh đổi.

Kết luận 14 mới là chủ trương, phải có quy định rất cụ thể để vừa bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vừa có “hàng rào” để ngăn chặn những người “khoác áo” đổi mới, sáng tạo để làm liều.

Không làm gì hết vì sợ sai thì đừng làm cán bộ

+ Nghĩa là để Kết luận 14 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống thì còn phải cụ thể hóa bằng quy định để ngăn chặn những cán bộ “khoác áo” đổi mới, sáng tạo vì lợi ích nhóm?

- Đúng vậy! Cán bộ đã dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo thì phải làm những cái chưa có tiền lệ, chưa được quy định, nhưng không trái Hiến pháp, không vượt qua luật.

Chúng ta khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm là phải làm đúng, làm có khoa học, làm có trí tuệ. Nếu không có quy định cụ thể, hành lang cụ thể thì cán bộ rất dễ lạm quyền hoặc mang danh sáng tạo, đổi mới vì mục đích cá nhân như muốn phát triển, muốn “đánh bóng tên tuổi” để leo cao… và đằng sau đó mà có lợi ích nhóm thì cực kỳ nguy hiểm.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: TN

Quan trọng hơn là phải có cơ chế giám sát trong nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, tập thể và của người dân. Các sáng kiến đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được tập thể cho ý kiến, thống nhất cao, kể cả đưa người dân cho ý kiến thì sẽ được ủng hộ.

Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ mà người dân không ủng hộ thì không làm được và không bao giờ có kết quả tốt. Tôi nghĩ như vậy! Còn sáng kiến đổi mới, sáng tạo, cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung được người dân ủng hộ thì người dân sẽ giám sát và làm cùng.

+ Bên cạnh cán bộ dám nghĩ, dám làm thì có cán bộ không làm gì hết vì không làm thì không sai, không bị xử lý. Ông nghĩ gì về điều này?

- Nếu xác định không làm gì hết vì sợ sai thì đừng làm cán bộ, tốt nhất không nên làm lãnh đạo. Như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mà không dám sửa sai, sợ động chạm đến cấp trên thì giải quyết làm sao có kết quả tốt được?

Đã là cán bộ, nhất là những cán bộ có chiều hướng phát triển, trong quy hoạch ở cấp ủy, chính quyền, cấp chiến lược phải phát huy tính năng động, sáng tạo, tránh “mũ ni che tai”, ngồi chờ phiếu.

Là cán bộ phải có liêm sỉ, đạo đức, nhân cách của mình. Cán bộ phải thấy rằng uy tín, tín nhiệm của mình là uy tín, tín nhiệm trước công việc, trước cấp trên, trước người dân chứ không phải tín nhiệm bằng mấy lá phiếu của những người sẽ bỏ phiếu cho mình. Tín nhiệm được đánh giá bằng phiếu nhiều hoặc ít trong cấp ủy chưa chắc đã đúng.

Uy tín của cán bộ phải để cấp trên đánh giá, người dân đánh giá và cấp trên phải đánh giá đúng người dám nghĩ, dám làm. Thường thường những người dám nghĩ, dám làm là những người dám nói, mà dám nói, dám làm thì hay va chạm.

Cho nên, bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung sẽ giúp xuất hiện thêm nhiều người như vậy. Nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm vì có cấp trên đánh giá khách quan, người dân giám sát. Tôi vẫn nói, đánh giá cán bộ phải bằng kết quả công việc.

+ Xin cảm ơn ông!

“Các cấp uỷ, tổ chức Đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, trích Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm