Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ TN&MT không triển khai hàng loạt cuộc thanh tra trong năm 2021 để phòng, chống dịch

Huyền Anh

Thứ tư, 24/11/2021 - 08:00

(Thanh tra) - Ngày 16/11/2021, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã ký quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2021.

Năm 2021 không thanh tra tại Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ. Ảnh: Internet

Theo Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh, trong gần 02 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành TN&MT gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, tích cực trong việc cắt giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra để nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Các cuộc thanh tra do Bộ chủ trì, trước khi triển khai Bộ đều phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, nhờ đó, đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung về nội dung và đối tượng thanh tra, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo với Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung nguồn lực cho việc thanh tra, kiểm tra đột xuất và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Bộ TN&MT đã ban hành Phương án Tiếp công dân và phòng, chống dịch Covid-19 tại Trụ sở Tiếp công dân của Bộ, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể cũng như cách thức thực hiện để đảm bảo việc tiếp công dân được diễn ra theo quy định của pháp luật vừa đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19. Thực hiện Phương án Tiếp công dân nêu trên, Trụ sở Bộ TN&MT đã thực hiện lắp vách ngăn tiếp công dân, chuẩn bị khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho công dân; công dân khi đến đăng ký tiếp công dân được thực hiện đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, khuyến khích công dân gửi đơn để Bộ nghiên cứu, xử lý và trả lời bằng văn bản, hạn chế tiếp công dân trực tiếp để phòng chống dịch. Thời gian tới, Bộ TNMT đang nghiên cứu việc thực hiện tiếp công dân trực tuyến.

Bên cạnh đó, trong hoạt động giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ giao, do phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19 chưa thể cử đoàn xác minh theo quy định, Bộ TN&MT đã đổi mới cách thức thực hiện, có văn bản yêu cầu địa phương và người khiếu nại cung cấp hồ sơ, trên cơ sở đó Bộ giao cán bộ nghiên cứu hồ sơ, trao đổi trực tuyến hoặc có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo làm rõ nội dung tình tiết vụ việc và cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá hồ sơ vụ việc, đưa ra phương án giải quyết. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ cử đoàn xác minh tổ chức tiếp công dân, tổ chức đối thoại, tham mưu Bộ trưởng quyết định giải quyết theo quy định… Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian thẩm tra, xác minh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nằm trong bối cảnh chung đó, quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2021 ngày 16/11/2021 của Bộ trưởng Trần Hồng Hà được đưa ra chủ yếu trên cơ sở ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ.

Bộ trưởng TN&MT giao Chánh Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị quản lý Nhà nước thuộc Bộ kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện; căn cứ tình hình triển khai thực tế và yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước để đề xuất việc điều chỉnh kế hoạch này cho phù hợp.

Thủ trưởng các tổng cục: Quản lý đất đai, Môi trường, Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Biển và Hải đảo Việt Nam và Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm phối hợp với Chánh Thanh tra Bộ và các sở TN&MT khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể trình Bộ trưởng xem xét, quyết định trước khi triển khai các cuộc thanh tra.

Trong quá trình thanh tra đối với các tổ chức trong kế hoạch này nếu phát hiện sai phạm của UBND các cấp liên quan đến lĩnh vực TN&MT thì thủ trưởng các đơn vị nêu trên có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến Bộ trưởng để xem xét, tổ chức thanh tra trách nhiệm đối với UBND các cấp vào kế hoạch thanh tra của Bộ.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Nội dung thanh tra không thực hiện trong năm 2021 gồm:

Về thanh tra hành chính: Thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; việc thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn và các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và dự án đầu tư xây dựng cơ bản (nếu có) tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ. Thanh tra việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai.

Thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước đối với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư ở Đắk Nông. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với các tổ chức quản lý hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Nghệ An. Thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đối với các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng tại Hà Giang.

Tổng cục Quản lý đất đai: Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đối với UBND huyện Lạc Dương và các đơn vị quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện Lạc Dương (Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung) tại Lâm Đồng. Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng tại Bình Thuận. Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa (theo nội dung "Đề án Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020") đối với Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, UBND thị xã Mỹ Hào và UBND huyện Khoái Châu; Sở TN&MT, UBND cấp huyện (02 đơn vị) và các tổ chức sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tổng cục Môi trường: Thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại Cao Bằng, Sơn La, Hà Nam, Thái Bình, Yên Bái, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động khai thác than đối với Tổng Công ty Đông Bắc tại Quảng Ninh. Thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại một số mỏ cao lanh tại Bình Phước. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản tại Quảng Nam.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đối với một số UBND cấp tỉnh và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven biển tại Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An.

Cục Quản lý tài nguyên nước: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn đối với Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam; Công ty TNHH cấp nước Bình An tại tỉnh Bình Dương

Nội dung thanh tra điều chỉnh trong năm 2021

Tổng cục Môi trường: Điều chỉnh nội dung kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra” thành “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra”.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra đối với một số tổ chức, cá nhân đã được thanh tra, kiểm tra các năm 2018, 2019 và 2020 được điều chỉnh thời gian thực hiện từ quý II, III sang quý IV; điều chỉnh nội dung “kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra” thành “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra”.

Cục Quản lý tài nguyên nước: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn tại: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang được điều chỉnh thời gian thực hiện từ quý II sang quý IV. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn tại Đắk Lắk, Nghệ An được Điều chỉnh thời gian thực hiện từ quý II, III sang quý IV.

Bên cạnh đó, bổ sung cuộc thanh tra trong quý IV do Tổng cục Môi trường tiến hành là: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh tại TP Hồ Chí Minh. Lý do, theo phản ánh của báo chí, người dân về việc công ty trong quá trình hoạt động đã gây ô nhiễm nguồn nước sông rạch Ngã Cạy.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm