Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thúy Nhài
Thứ ba, 26/07/2022 - 12:10
(Thanh tra) - Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra; đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra; Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ về lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả tích cực; vị thế, vai trò và uy tín của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ còn có những tồn tại, hạn chế, nhất là việc xây dựng kế hoạch tiến hành một số cuộc thanh tra còn dàn trải về nội dung và đối tượng thanh tra; hầu hết các cuộc thanh tra đều không đảm bảo quy định về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra; một số cuộc thanh tra không thực hiện đúng phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra theo kế hoạch đã được duyệt; báo cáo kết quả một số cuộc thanh tra chưa đánh giá đúng tích chất, mức độ vi phạm, không làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, dẫn đến phần kiến nghị xử lý chưa đầy đủ hoặc chưa tương xứng; chưa thực hiện tốt việc đánh giá, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trưởng đoàn thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra sau khi kết thúc cuộc thanh tra; công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế của các cuộc thanh tra...
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tổ chức thực hiện của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra, của người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, của thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế theo yêu cầu tại Thông báo kết luận giám sát số 287-TB/UBKTTW ngày 27/5/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Nghị quyết xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra; làm rõ trách nhiệm việc thực hiện công tác chuyên môn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên; phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với những vi phạm; đồng thời phát hiện và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm, sai phạm trong công tác thanh tra. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra, quy định quản lý và giám sát hoạt động đối với đoàn thanh tra, quy định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết nêu: Việc xây dựng định hướng chương trình kế hoạch thanh tra hằng năm phải phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ với thanh tra các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, nhất là với cơ quan kiểm tra Đảng, Kiểm toán Nhà nước để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra hằng năm phải trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đồng thời, đảm bảo tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên phải gắn liền với việc đánh giá nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến kết thúc hoạt động của đoàn thanh tra và công bố kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, không được làm; góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật theo quy định để xây dựng hình ảnh đẹp và nâng cao uy tín, vị thế của đội ngũ cán bộ Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.
Để làm tốt những nhiệm vụ nêu trên, theo chức trách, nhiệm vụ được phân công, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tập trung thực hiện những nội dung sau: Tổng Thanh tra Chính phủ phụ trách chung, trực tiếp: Chỉ đạo công tác xây dựng định hướng thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm; phân công Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cuộc thanh tra; chủ trì các cuộc họp tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho ý kiến về chủ trương những vấn đề quan trọng liên quan đến các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc theo đề xuất của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ được phân công phụ trách, trực tiếp chỉ đạo các cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến kết thúc hoạt động của đoàn thanh tra và công bố kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; trong đó, cần tập trung chỉ đạo sâu sát đối với thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì các cuộc thanh tra và đoàn thanh tra tổ chức các hoạt động thanh tra theo đúng quy định pháp luật, nhất là việc chỉ đạo đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra; thường xuyên và định kỳ yêu cầu thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì các cuộc thanh tra và đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra theo tiến độ trong quá trình thanh tra, trên cơ sở đó chỉ đạo và cho ý kiến giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến nội dung cuộc thanh tra; đồng thời chỉ đạo việc phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm từ xa đối với những hành vi vi phạm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cuộc thanh tra; nếu phát hiện hành vi vi phạm phải kịp thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Các cục trưởng, vụ trưởng đơn vị được giao chủ trì các cuộc thanh tra có trách nhiệm: Có ý kiến tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về các nội dung dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất người tham gia đoàn thanh tra, việc bố trí người tham gia đoàn thanh tra phải có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ thanh tra, trường hợp cán bộ, công chức tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu không còn đủ thời gian để thực hiện cuộc thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra thì không bố trí làm trưởng, phó trưởng đoàn thanh tra; chỉ đạo việc quản lý và giám sát đoàn thanh tra; đôn đốc kiểm tra đoàn thanh tra về việc thực hiện yêu cầu về tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra; tham gia các cuộc họp do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì khi yêu cầu đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra theo tiến độ trong quá trình thanh tra; cùng với đoàn thanh tra tham mưu, đề xuất Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến nội dung cuộc thanh tra; có ý kiến tham mưu cho Phó Tổng Thanh tra Chính phủ về các nội dung dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng cuộc thanh tra.
Trưởng các đoàn thanh tra có trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra theo quy định pháp luật, nhất là yêu cầu về tiến độ và chất lượng của cuộc thanh tra; có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức phân công, đôn đốc phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có), các thành viên đoàn thanh tra thực hiện các công việc của hoạt động đoàn thanh tra theo đúng quyết định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với người được giao nhiệm vụ giám sát đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định pháp luật về thanh tra; quản lý, giám sát phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có), các thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật và các quy chế có liên quan, nhất là trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không được thanh tra vượt phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ lọt, bỏ sót nội dung thanh tra trong Kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt; không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; chủ động thường xuyên, định kỳ báo cáo thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì các cuộc thanh tra, người được giao giám sát hoạt động đoàn thanh tra để tham mưu, đề xuất Phó Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến nội dung cuộc thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra phải đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được phát hiện trong quá trình thanh tra (nếu có); quan tâm hơn nữa việc kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên đoàn thanh tra có trách nhiệm: Thực hiện nhiệm vụ được trưởng đoàn thanh tra phân công, tuân thủ đúng các quy định pháp luật và các quy chế có liên quan, nhất là trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không được thanh tra vượt phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ lọt, bỏ sót nội dung thanh tra đã được phân công; không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả thanh tra của mình, phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc được giao, báo cáo kịp thời với trưởng đoàn thanh tra những khó khăn, vướng mắc vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình thanh tra.
Nghị quyết yêu cầu nâng cao chất lượng công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tập trung vào: Việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi và chất lượng cao nhất, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra.
Trường hợp có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến hành vi vi phạm của đoàn thanh tra thì phải xem xét theo quy định pháp luật và các quy chế có liên quan; kịp thời báo cáo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo theo thẩm quyền.
Người được giao nhiệm vụ giám sát không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả giám sát của mình; người được giao nhiệm vụ giám sát không được làm việc với đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi chưa được sự chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Việc bố trí, phân công người thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; không được bố trí cán bộ thẩm định thuộc một trong các trường hợp cấm tham gia đoàn thanh tra, giám sát, thẩm định theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Người được giao nhiệm vụ thẩm định không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả thẩm định của mình.
Đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra cần nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo kết quả theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; người được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kết luận thanh tra; kết quả theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra là một trong những nội dung để đánh giá chất lượng của kết luận thanh tra đã ban hành.
Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ phối hợp với Đảng ủy Thanh tra Chính phủ tăng cường lãnh đạo hoạt động thanh tra, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thanh tra trong việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thanh tra có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực kinh nghiệm thực tiễn, kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm trong thực thi công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống, tiêu cực, nhất là thói vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân…
Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra. Cần xác định rõ việc bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng công tác thanh tra là nhiệm vụ thường xuyên liên tục; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong cơ quan, trước hết là người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp từ Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ đến bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc, thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ.
Tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, là căn cứ thực hiện công tác tổ chức cán bộ (công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật); không thực hiện chính sách cán bộ đối với trường hợp cán bộ được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, nhất là có vi phạm trong quá trình thanh tra; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có vi phạm trong thực thi công vụ thanh tra theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước và các quy định về kỷ luật của Đảng.
Trường hợp để xảy ra những hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra, tùy theo tích chất, mức độ phải được xem xét, xử lý trách nhiệm trước hết thuộc về trưởng đoàn thanh tra, sau đó là thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì các cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra, tiếp theo là phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên đoàn thanh tra liên quan trực tiếp đến vi phạm; người giám sát, thẩm định, các thành viên còn lại và các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khác có liên quan đến cuộc thanh tra.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp luật thanh tra; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra, về giám sát hoạt động đoàn thanh tra, về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn về trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, căn cứ các quy định của cấp trên ban hành quy định về kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức, thanh tra viên; nâng cao chất lượng tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thiết thực sau mỗi cuộc thanh tra; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong các hoạt động nghiệp vụ công tác của đoàn thanh tra.
Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết. Các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các đơn vị được phân công phụ trách thực hiện nghị quyết.
Đảng ủy Thanh tra Chính phủ, cấp ủy, thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ phổ biến, quán triệt nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; cụ thể hoá nghị quyết để lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện, trong đó có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tham mưu và tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra; thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tổ chức sơ kết 6 tháng và tổng kết hằng năm để rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trong đó có nội dung về tiến độ và chất lượng của các cuộc thanh tra.
Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ giao Vụ Kế hoạch - Tổng hợp chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Đảng - Đoàn thể và các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết này; định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết với Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024), chiều 22/11, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Thanh tra Chính phủ đã trang trọng tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thanh tra đối với lãnh đạo Bộ VHTTDL.
Thái Hải
22:15 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, Trường Cán bộ Thanh tra đã bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính khoá 17 năm 2024 cho 63 học viên đến từ thanh tra các bộ, ngành và các tỉnh, thành phía Bắc, Bắc Trung bộ.
Phương Anh
21:53 22/11/2024Hoàng Nam
21:38 22/11/2024Phương Hiếu
21:36 22/11/2024Cảnh Nhật
21:31 22/11/2024Lê Hữu Chính
17:40 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương