Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử lý nghiêm người có thẩm quyền giải quyết KN vi phạm pháp luật

Thứ ba, 26/12/2017 - 14:03

(Thanh tra)- Đó là đề xuất xử lý người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (KN) vi phạm pháp luật tại đề tài "Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền giải quyết KN - thực trạng và giải pháp", của ông Nguyễn Đăng Hạnh, Viện Khoa học Thanh tra.

Hình thức xử lý chủ yếu là kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Tình hình KN hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều KN đã được giải quyết nhưng người dân vẫn không đồng tình. Nguyên nhân một phần là do trong quá trình giải quyết KN, người có thẩm quyền giải quyết KN cũng đã có một số vi phạm nhất định.

Việc vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết KN được đánh giá là diễn ra khá phổ biến trong công tác giải quyết KN. Mặc dù những vi phạm về trình tự, thủ tục không tác động lớn đến kết quả giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết KN vẫn có cơ hội khắc phục được và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ pháp luật, nguyên nhân khách quan, do nhận thức của cán bộ có thẩm quyền giải quyết KN nên việc xử lý những vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết KN chủ yếu mang tính chất nhắc nhở, kiểm điểm rút kinh nghiệm mà ít có trường hợp bị xử lý kỷ luật hành chính.

Đây là thực tế qua công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về các lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra nói chung, trong đó có thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về KN.

Trong các lĩnh vực khác kết quả xử lý vi phạm cũng tương tự. Ở một số trường hợp cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã tiến hành xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, song đây là những vi phạm pháp luật về nội dung, vi phạm kỷ luật, hoặc cán bộ có những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu trong việc giải quyết KN chứ không đơn thuần là bị xử lý vi phạm về trình tự, thủ tục.

"Hiện nay, nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết KN đã ban hành các quyết định giải quyết KN không đúng, không khách quan, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bức xúc cho công dân, dẫn đến KN kéo dài. Và nhiều vụ việc KN đã được giải quyết nhưng vẫn được các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại", Chủ nhiệm đề tài cho biết thêm.

Còn tình trạng dung túng, bao che cho cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm

Mặc dù các hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết KN đã và đang diễn ra, tuy nhiên việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết KN chưa xử lý được, do một số nguyên nhân như: Luật KN không có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm pháp luật của người giải quyết KN, các quy định về xử lý vi phạm còn chung chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Điều 67 Luật KN quy định: “Người giải quyết KN có một trong các hành vi quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Luật KN hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết KN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật".

Chủ nhiệm đề tài khẳng định, với quy định ngắn gọn như trên thì các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ xác định được đối tượng và nguyên tắc chung về xử lý hành vi vi phạm mà không có cơ sở pháp lý, chế tài để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết KN.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng dung túng, bao che cho cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm vi phạm pháp luật trong giải quyết KN. Thực tiễn cho thấy việc tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý vi phạm chưa được quan tâm đúng mức, có tình trạng bao che, dung túng cho cán bộ, công chức vi phạm, bên cạnh đó còn có tình trạng chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ công chức thiếu trách nhiệm vi phạm pháp luật trong giải quyết KN.

Ngoài ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC còn chưa thường xuyên; chất lượng, hiệu quả còn hạn chế, điều này ảnh hưởng phần nào đến ý thức trách nhiệm của người giải quyết KN và cơ sở xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết KN.

Chính vì vậy, Ban Chủ nhiệm đề tài cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền giải quyết KN như giải pháp về hoàn thiện pháp luật, trong đó cần hoàn thiện pháp luật về quy trình giải quyết KN; hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật của người giải quyết KN và giải pháp về tổ chức thực hiện là: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ; bố trí đúng, đủ cán bộ tại cơ quan; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu hay xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của người có thẩm quyền giải quyết KN được phát hiện...

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm