Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rà soát kỹ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh khiếu kiện tăng

Hương Giang

Thứ năm, 22/09/2022 - 18:15

(Thanh tra) - Bỏ khung giá đất rồi thì xây dựng giá đất thế nào? Trường hợp nào thu hồi đất? Giải quyết tranh chấp đất ra sao... Đó là những vấn đề được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 22/9.

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật nêu cụ thể trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác, được trên 80% người có đất đồng ý.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, “việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp”.

“Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc trường hợp “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”. Đồng thời, đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự luật mở rộng phạm vi nhà nước thu hồi đất là chưa đúng với tinh thần Trung ương, nhất là những dự án thương mại bất kể lý do 80% đồng ý hay bao nhiêu mà Nhà nước thu hồi đất thì phải giải nghĩa.

Ông Tùng cũng đặt vấn đề quy định như vậy liệu có giải quyết được tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

“Thu hồi đất là vấn đề rất bức xúc. Phần lớn các khiếu kiện của người dân liên quan đến thu hồi đất, bồi thường. Nếu chúng ta giải quyết như thế này thì tôi nghĩ, không phải 70% như hiện nay mà có khi lên 80% khiếu nại, tố cáo hàng năm liên quan đất đai”, ông Tùng nói và đề nghị, phải đánh giá rất kỹ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với dự án khác được 80% người dân có đất thu hồi đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất là không được.

“Một quy định rất chung chung, không đúng tinh thần Hiến pháp và chủ trương của Trung ương”, ông Vương Đình Huệ nói, phải tường minh, không “lẫn lộn” quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết việc đưa ra điều kiện, tiêu chí cho từng trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là rất khó nên tạm thời liệt kê.

Với dự án khu đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp thu hồi đất, ông Hà cho rằng có thể dự thảo chưa rõ ràng trong thể hiện bằng câu chữ, dẫn đến còn ý kiến khác nhau.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: P.Thắng

“Nhà ở thương mại và khu đô thị được nêu ở đây là dự án trọng điểm của quốc gia, phục vụ đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, đồng bộ, không chỉ là những đô thị nhỏ như hiện nay”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích và khẳng định, dự án như vậy chắc chắn phục vụ cho lợi ích quốc gia, công cộng, đồng thời tạo ra nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác.

Từ đó, ông Hà khẳng định tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát, nghiên cứu lại nội hàm, tiêu chí tiêu chuẩn của trường hợp thu hồi đất, nhất là dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Giá đất và cơ chế tài chính đất đai là vấn đề “khó nhất”

Điểm mới nữa, dự thảo luật bỏ khung giá đất để thể chế Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng. Thay vào đó, Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể.

Bảng giá đất xây dựng định kỳ hàng năm, công bố công khai, áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm để phù họp với cơ chế thị trường. Bảng giá đất này được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí…

Với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban này cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất đồng thời chưa rõ vai trò kiểm tra, giám sát của HĐND trong việc thực hiện giá đất.

Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung các nội dung này vào dự thảo luật nhằm bảo đảm việc “định giá đất công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm”. Cạnh đó, “đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm”, ông Thanh nói.

Bởi, theo cơ quan thẩm tra, Luật Đất đai hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần. “Nếu có sự thay đổi về kỳ xây dựng bảng giá đất, cần đánh giá khả năng của các địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không”, báo cáo nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc.

“Thành viên hội đồng thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa làm rõ các khái niệm và cách xác định “vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”, cơ quan có trách nhiệm xây dựng hồ sơ giá đất cho từng vùng giá trị đất và đến từng thửa đất.

“Đây là nội dung mới trong dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị có quy định cụ thể hơn để bảo đảm cách hiểu và áp dụng thống nhất khi triển khai thi hành luật”, ông Thanh nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, giá đất và cơ chế tài chính đất đai là vấn đề “khó nhất” khi sửa Luật Đất đai. “Quy định làm sao để vận hành được. Nếu chúng ta quy định ra mà cuối cùng không vận hành được thì không đạt mục tiêu”, ông nói.

“Bỏ khung giá đất rồi nhưng việc xây dựng bảng giá đất thì vai trò của HĐND, UBND thế nào? Tiêu chuẩn, tiêu chí xác định giá đất, rồi vai trò cơ quan tham mưu, tư vấn trong định giá đất? Định nghĩa thế nào là nguyên tắc thị trường và giá thị trường trong điều kiện bình thường ở đây?”, Chủ tịch Quốc hội nêu loạt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói, dự thảo luật chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết 18. “Giá đất rất quan trọng nhưng dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề này, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Trung ương”, ông Tùng nhấn mạnh.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 vào cuối năm 2023.

“Giao hết cho toà án giải quyết tranh chấp đất đai thì làm sao được” Một nội dung khác Chính phủ xin ý kiến do còn ý kiến khác nhau liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo tờ trình, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật, các tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: P.Thắng Ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo đó, các tranh chấp đất đai đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết. Trường hợp không có các giấy tờ như vậy thì được lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị chọn loại ý kiến thứ 2. “Dự thảo luật đang bỏ đi một sự lựa chọn của người dân”, bà Nga nói. Nhấn mạnh Nghị quyết 18 chỉ nêu “nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai”, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng không thể quy định như dự thảo Luật. “Đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn lòng vòng, tồn đọng thế này, chúng ta lại giao hết cho cơ quan toà án giải quyết các tranh chấp đất đai thì làm sao được”, ông Huệ nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

Tôn sư trọng đạo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục!

(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trà Vân

16:21 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm