Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân

Thứ sáu, 05/06/2020 - 06:33

(Thanh tra)- Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) bền vững phải thỏa mãn được 2 yêu cầu rất cơ bản. Đó là bao phủ toàn dân để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT và bảo đảm bền vững về tài chính.

Để phát triển chính sách BHYT bền vững cần thay đổi phương thức tuyên truyền cũng như cách thức dịch vụ của BHXH để tạo sự hấp dẫn. Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet

Ngân sách chi cho BHYT: Rất lớn

Ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, Luật BHYT ra đời năm 2008 và đến năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13  về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

“Có thể nói Nghị quyết 68 của Quốc hội đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội của chúng ta, trong đó BHYT được coi là một trụ cột. Với tỷ lệ bao phủ toàn dân tới 90% tham gia BHYT, đó là một thành công lớn, là mục tiêu mà chúng ta đã phấn đấu để đạt được, hướng tới chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân”, ông Lợi đánh giá.

Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội (BHXH), năm 2018, toàn quốc có hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao là đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT), trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần một triệu người so với năm 2017 (tương đương tăng 6,3%). Đến năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là gần 90% dân số.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, qua giám sát  việc triển khai chính sách BHYT cho thấy, dù số lượng tăng, độ bao phủ tới 90%, nhưng số lượng người dân được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách chiếm tỷ trọng rất cao, có lúc chiếm tới hơn 70%. “Điều này nghĩa là, ngân sách chi cho BHYT vẫn rất lớn”, ông nói.

Chưa đồng đều giữa các vùng miền

Cũng theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền. Một số vùng, miền điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đạt yêu cầu.

Người dân được tham gia, nhưng dịch vụ y tế cho vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt yêu cầu, dẫn đến có sự chênh lệch về hưởng lợi dịch vụ BHYT đối với người dân ở các vùng miền.

“Có những lúc, chúng ta phải báo động rằng, người nghèo đang tham gia BHYT để tạo cơ hội cho người có điều kiện và người ở vùng đồng bằng được hưởng lợi BHYT cao hơn. Đáng chú ý, dù tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90%, nhưng vẫn có tới 10% chưa tham gia BHYT”, ông Lợi nói và nhấn mạnh, 10% này mới là điều đáng lưu ý bởi hộ gia đình, người có thu nhập cao, người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT để làm cho quỹ BHYT tăng lên nhưng chưa tham gia, mà chủ yếu họ tham gia BHYT tự nguyện, hoặc có một bộ phận người dân có đời sống cao lại khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Chia sẻ quan điểm làm thế nào để phát triển chính sách BHYT được bền vững, theo ông Lợi, phát triển BHYT bền vững phải thỏa mãn được hai yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Thứ hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính.

Cần thay đổi cách thức dịch vụ của BHYT

Ông Lợi nêu rõ, hiện độ bao phủ thì lớn, nhưng nguy cơ “vỡ quỹ” lại cao, bởi thực trạng hiện nay đang là “đóng thì ít, hưởng thì nhiều”, cùng chia sẻ lại thấp, thậm chí là không có. Điều này không làm cho chính sách BHYT bền vững.

“Vấn đề quan trọng là, tỷ lệ bao phủ 10% còn lại, chúng ta cần tập trung vận động, tuyên truyền, làm sao để đối tượng này có thể tham gia vào hệ thống BHYT của cả nước, điều đó sẽ giúp nguồn quỹ tăng lên”, ông Lợi nhấn mạnh.

Thứ nữa, mức đóng hiện nay đang là 4,5%, trong khi luật cho phép là 6% nên chúng ta hoàn toàn có dư địa. Song theo ông Lợi, nếu tăng nhanh sẽ gây áp lực cho người dân, cho doanh nghiệp, vì vậy cần có lộ trình, không thể nâng ngay lên được.

Từ đó, ông Lợi cho rằng, để phát triển chính sách BHYT bền vững cần thay đổi phương thức tuyên truyền để người dân làm thay đổi nhận thức rằng tham gia vào chính sách BHYT là quyền, nghĩa vụ, nhưng cũng là thể hiện tính cộng đồng để xây dựng xã hội tốt đẹp chia sẻ.

Cùng với đó, là thay đổi cách thức dịch vụ của BHYT để tạo ra sự hấp dẫn, “nói cách khác là tạo ra sự hài lòng của người dân đối với BHYT”.

“Người dân thường nhìn vào kết quả thực hiện, nhìn vào việc làm của Nhà nước để quyết định tham gia hay không tham gia BHYT”, ông Lợi nói và nhấn mạnh một lần nữa, nếu 10% đối tượng còn lại tham gia sẽ chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong quỹ BHYT.

Trần Kiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm