Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều kiến nghị góp phần hoàn thiện Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại

Thứ ba, 21/02/2017 - 08:13

(Thanh tra)- Qua thời gian 4 năm thi hành, Luật Tố cáo (TC) và Luật Khiếu nại (KN) tồn tại một số bất cập, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Ảnh minh họa: Internet

Tại báo cáo tổng kết đánh giá 4 năm thi hành Luật KN, Luật TC, UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Luật KN 2011 đã có nhiều nội dung mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người KN, phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết KN, tạo sự chủ động cho người giải quyết KN có thể nhanh chóng xem xét, khắc phục các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị KN nếu có sai sót...  Luật TC 2011 đã có nhiều nội dung mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người TC thực hiện quyền TC, bảo vệ bí mật của người TC, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận và giải quyết, mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao quát hết việc TC và giải quyết TC đối với các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên thực tế, có cơ chế bảo vệ người TC.

Qua thực tiễn áp dụng, UBND tỉnh đã có kiến nghị cụ thể:

Đối với Luật KN

Cần có quy định hướng dẫn áp dụng thống nhất giữa Luật KN và Luật Tố tụng hành chính về thời hiệu KN, thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; về đối tượng bị KN và đối tượng bị khởi kiện.

Sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể để khắc phục các điểm còn chưa rõ trong Luật KN như: Quyền KN của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Việc ủy quyền cho người khác KN, nếu không phải là người thân thích thì phải là luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Bổ sung các trường hợp đình chỉ giải quyết KN. Bổ sung hình thức xác nhận rút KN trong biên bản làm việc với người xác minh, người giải quyết hoặc trong biên bản đối thoại, là căn cứ đình chỉ giải quyết KN. Hướng dẫn cụ thể việc sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung KN để vừa đảm bảo quyền của các bên, vừa đảm bảo thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu cho người KN, của luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Bổ sung người có thẩm quyền xử lý hoặc kiến nghị xử lý khi phát hiện việc giải quyết KN vi phạm pháp luật theo Điều 20 Nghị định 75. Hướng dẫn rõ việc thụ lý, giải quyết trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật KN (người KN có quyền KN đến người có thấm quyền giải quyết KN lần 2 nếu đã hết thời hạn giải quyết mà KN lần đầu không được giải quyết) là giải quyết KN lần 2.

Hiện nay quy định bắt buộc người giải quyết KN phải đối thoại, không có quy định về ủy quyền cho cấp phó là có khó khăn trong thực tiễn, cần xem xét cho phù hợp.

Có quy định cụ thể các hình thức chế tài về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với các mức độ vi phạm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy định pháp luật về KN, TC.

Nghiên cứu ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KN, TC làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền KN, TC để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Đối với Luật TC

Sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể để khắc phục các điểm còn chưa rõ trong Luật TC như: Bổ sung mở rộng quy định về hình thức TC, cụ thể như TC thông qua thông điệp dữ liệu, qua đường dây nóng... nhằm có cơ sở tiếp nhận, xử lý thông tin đầy đủ, rộng rãi, phục vụ chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Bổ sung quy định cụ thể về việc phải giải quyết đối với đơn TC nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung rõ ràng về hành vi vi phạm, về đối tượng vi phạm và cung cấp kèm theo tài liệu, bằng chứng. Giải quyết trong trường hợp này không thực hiện thủ tục thông báo kết quả giải quyết TC cho người TC biết. Bổ sung hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền giải quyết TC đối với những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hay chuyển công tác khác. Hướng dẫn cụ thể hơn việc xác định thẩm quyền hoặc quy định cơ chế phối hợp trong trường hợp giải quyết TC hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.

Xem xét điều chỉnh thời hạn giải quyết TC đối với các vụ việc TC phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành để tạo thuận lợi trong việc giải quyết, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Hướng dẫn rõ các vấn đề về bảo vệ thông tin người TC, về xác định cơ quan công an, về căn cứ yêu cầu bảo vệ. Đồng thời cần thiết phải nghiên cứu xây dựng, ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn quy trình, thủ tục, mẫu văn bản về tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu bảo vệ người TC để thực hiện thống nhất.

Quy định lại thời hạn xem xét, xử lý đơn TC tiếp theo hướng nên xem đấy như là một vụ việc TC (ít nhất phải 30 ngày) mới đảm bảo thời gian xem xét, xác định có đủ điều kiện giải quyết lại TC hay không.

Đối với các vấn đề chung có liên quan đến công tác giải quyết KN, TC

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xác định ưu tiên trong làm luật để sớm xem xét thông qua Luật Biểu tình. Việc xây dựng và ban hành Luật Biểu tình vừa giúp công dân có cơ sở để thực hiện quyền hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, vừa có căn cứ pháp lý đe chính quyền xử lý các hành vi lợi dụng quyền KN, TC để tụ tập, biểu tình trái phép nhằm gây rối, trục lợi.

Hàn Ngọc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm