Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Quý
Thứ hai, 10/02/2025 - 14:00
(Thanh tra) - UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến Dự thảo nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó đưa ra 107 hành vi vi phạm nâng mức phạt từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 đang được dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông gấp 2 lần có phù hợp? Ảnh: TQ
Theo UBND TP Hà Nội, Dự thảo được xây dựng dựa trên Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1/1/2025) giao cho HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt một số hành vi vi phạm giao thông trên địa bàn cao hơn mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Để triển khai luật này, Hà Nội phải bổ sung quy định về việc tăng mức xử phạt như đã nêu.
Thứ hai, tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội có nhiều điểm khác biệt như: Ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, nhiều vi phạm lặp đi lặp lại, nhiều thành phần tham gia giao thông và nơi cư trú không ổn định ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, số vụ tai nạn và số lượng phương tiện cao… Thực tiễn này đòi hỏi phải có một chế tài mang tính chất đặc thù của Thủ đô, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Theo danh mục tại Dự thảo, có 107 lỗi vi phạm giao thông bị đề xuất tăng mức phạt tiền tập trung vào 3 nhóm. Một là những vi phạm có tính chất phổ biến; hai là những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông; ba là những vi phạm ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng.
Việc UBND TP Hà Nội đề xuất HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thẩm quyền. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 168/2024 (nâng mức phạt tiền lên nhiều lần với nhiều lỗi vi phạm) chỉ mới có hiệu lực thi hành khoảng hơn 1 tháng.
Anh Nguyễn Văn Hiệp (Ba Đình - Hà Nội) cho biết, là một doanh nghiệp dịch vụ tư nhân, anh thường xuyên tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội. Trước đây, tình hình giao thông trên địa bàn TP vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc, ý thức một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm cao… Sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, tình trạng giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, số vụ vi phạm giảm mạnh, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
“Điều đáng nói, trong khi Nghị định 168/2024 mới đi vào cuộc sống hơn một tháng, đạt những kết quả cao thì UBND TP Hà Nội lại đưa ra dự thảo nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nâng mức phạt một số hành vi lên từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 là chưa hợp tình hợp lý vì mức xử phạt của Nghị định 168/2024 đã được nâng lên rất cao”, anh Hiệp chia sẻ.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, mức phạt theo Nghị định 168/2024 đã khá cao, trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nếu Hà Nội áp dụng mức xử phạt cao gấp 1,5 - 2 lần so với mức phạt của Nghị định 168/2024, người dân nghèo có thể mất phương tiện mưu sinh. Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, vỉa hè bị lấn chiếm, cầu đường chật hẹp, tại trung tâm Thủ đô, các tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên với mật độ dày đặc... Tất cả những yếu tố này đều góp phần gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc điều chỉnh mức xử phạt cần có lộ trình hợp lý, đi kèm với cải thiện hệ thống giao thông công cộng để tạo sự đồng thuận từ người dân. Nếu kết hợp các giải pháp đồng bộ, ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết một cách bền vững, thay vì chỉ tập trung vào việc tăng mức xử phạt.
Người dân Thủ đô nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định 168/2024. Ảnh: TQ
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng ông ủng hộ đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội. Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ băn khoăn trước việc Hà Nội đề xuất nâng mức phạt cao gấp 1,5 - 2 lần đối với 107 hành vi so với Nghị định 168/2024.
Theo ông Thanh, UBND TP Hà Nội nên cân nhắc kỹ, không nên xử phạt tràn lan mà cần chọn những hành vi vi phạm đặc biệt như cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải, chạy quá tốc độ, uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn khi lái xe…
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng cả 2 lý do cơ quan soạn thảo viện dẫn để đề xuất tăng mức phạt tiền đều chưa thực sự thuyết phục.
Theo luật sư Hùng, Điều 33 Luật Thủ đô quy định HĐND TP Hà Nội được áp dụng mức tiền phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (văn hóa, quảng cáo, xây dựng, giao thông…) cao hơn mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Mấu chốt ở đây là chữ "được", nghĩa là được phép áp dụng nếu thấy cần thiết, chứ không phải bắt buộc áp dụng. "Luật trao cho Hà Nội quyền đó, không phải là nghĩa vụ. Hà Nội có thể làm hoặc không", luật sư Hùng nêu quan điểm.
Tương tự, nếu mục đích tăng mức phạt tiền để cải thiện ý thức tham gia giao thông thì rõ ràng Nghị định 168/2024 đang "làm rất tốt". Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an vừa công bố, sau 1 tháng áp dụng Nghị định 168/2024, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn và số trường hợp vi phạm đều giảm, người dân tự giác chấp hành ngay cả khi không có mặt Cảnh sát giao thông, ùn tắc giao thông không kéo dài… "Ý thức đã tốt lên như vậy, liệu có cần thiết phải tiếp tục nâng mức phạt nữa không, nên chăng tìm kiếm thêm các giải pháp khác thay vì chú trọng vào phạt", luật sư Hùng nêu ý kiến.
Một số ý kiến cho rằng, việc UBND TP Hà Nội đề xuất HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định nâng mức mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải rà soát, làm rõ các hành vi vi phạm cụ thể của người vi phạm để quy định mức phạt cao hơn so với Nghị định 168/2024, nhất là đối với các hành vi do lỗi cố ý của người tham gia giao thông, như: Đi vào đường cấm; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; chạy quá tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; lạng lách, đánh võng; bấm còi, rút ga (nẹt pô)… bên cạnh đó cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhấn mạnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng có chiều hướng gia tăng, phức tạp, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm xây dựng.
Hải Hà
(Thanh tra) - Ngày 3/4, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 26 (Kỳ họp chuyên đề) để ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, thủ tục thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách Nhà nước thuộc thẩm quyền.
Trần Kiên
Đan Quế
Hải Hà
Trọng Tài
Nam Dũng
Kim Thành
Cảnh Nhật
Hải Hà
Trà Vân
Trần Quý
Phương Anh
T. Minh
Văn Thanh