Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giám sát doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thái Hải

Thứ ba, 19/01/2021 - 20:56

(Thanh tra) - Là tên đề tài khoa học cấp bộ do TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm Chủ nhiệm được Hội đồng Tuyển chọn đề tài khoa học Thanh tra Chính phủ phê duyệt nghiên cứu tại Hội đồng Thuyết minh diễn ra ngày 19/1.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh trình bày thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các ngành công nghiệp, ngành kinh tế quan trọng, then chốt của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều DNNN đang nắm giữ tỷ trọng vốn lớn trên một số lĩnh vực then chốt, cung cấp thực phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng an ninh, sản xuất.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, thương mại Nhà nước có vai trò quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, thực hiện an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp mà DNNN mang lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn.

"Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế, còn có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây đã cho thấy điều này", TS. Khanh nhấn mạnh.

Vấn đề giám sát đặt ra đối với DNNN trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào giám sát của cơ quan hành chính nhà nước đối với DN và giám sát trong nội bộ DN.

Trong giám sát của cơ quan hành chính Nhà nước, hoạt động giám sát đối với DNNN được thực hiện trên cơ sở các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 49/2014/NĐ-CP về giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các DNNN được thực hiện trên cơ sở các quy định trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu; Nghị định 87/2015/NĐ-CP; Nghị định 05/2019/NĐ-CP.

Từ thực tiễn cơ sở pháp lý và hoạt động giám sát của các chủ thể đối với DNNN trong thời gian qua cho thấy còn nhiều vướng mắc: Quan niệm về giám sát đối với DNNN còn chưa thống thất; các cơ quan quyền lực Nhà nước trong thời gian qua đã phát huy vai trò quan trọng trong giám sát đối với hoạt động của bộ máy hành chính và hệ thống tư pháp.

Tuy nhiên, với cơ sở pháp lý hiện nay và thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước đối với DNNN còn rất hạn chế. Hầu như chưa có giám sát chuyên đề chuyên sát về hoạt động của các DNNN trên các lĩnh vực; vai trò giám sát của xã hội đối với DNNN chưa thực sự được chú trọng, quan tâm; mô hình kiểm soát nội bộ DNNN trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, cơ chế lạc hậu đòi hỏi phải nghiên cứu, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; còn thiếu cơ sở pháp lý về việc tiếp nhận, xử lý các kết quả, kiến nghị từ hoạt động giám sát đối với DNNN…

Toàn cảnh Hội đồng Thuyết minh. Ảnh: TH

Góp ý cho đề tài, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, đánh giá tổng quan chuẩn bị thuyết minh đề tài rõ ràng, thuyết phục, đầy đủ, điều kiện năng lực khả năng nghiên cứu tốt, đúng quy định.

Về nội dung ông Hùng còn băn khoăn cho rằng, phạm vi nghiên cứu hơi rộng, nếu ôm cả kiểm soát trong nội bộ doanh nghiệp thì rộng và dàn trải. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm cần cân nhắc bỏ kiểm soát nội bộ và bổ sung giám sát của Đảng với DNNN. Về phương pháp nghiên cứu cần bổ sung điều tra bằng phiếu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Hội đồng Thuyết minh cũng khẳng định, thuyết minh được chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, quan niệm về DNNN cần thống nhất. Hiện tại, giám sát được trao nhiều cho các doanh nghiệp tự thực hiện, trừ mảng tài chính. Vì vậy dễ nhầm lẫn, chồng chéo với hoạt động kiểm tra. Đề tài nên đi sâu vào giám sát tài chính doanh nghiệp.

Mặt khác, cũng nên tập trung giám sát của cơ quan đại diện vốn, tài chính, chứng khoán Nhà nước. Cần cân nhắc việc giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước; cần nghiên cứu, giám sát riêng với DNNN 100% vốn Nhà nước và DNNN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối…

Ông Trần Đăng Vinh, quyền Vụ trưởng, Phụ trách Báo Thanh tra cho rằng, khái niệm về giám sát là rộng, tuy nhiên dưới góc độ nghiên cứu khoa học Thanh tra Chính phủ nên chọn cách tập trung vào việc giám sát của cơ quan Nhà nước đối với DNNN.

Ông Vinh đề xuất cần nghiên cứu lại giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng thẩm quyền đối với DNNN. Đồng thời cần làm rõ loại hình, thực trạng hoạt động của DNNN, đi sâu, nghiên cứu về giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Kết luận, ông Đinh Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Đánh giá cao sự chuẩn bị nghiên cứu của đề tài, hồ sơ đầy đủ, đúng quy định.

Đồng thời, đề nghị Ban Chủ nhiệm cần làm rõ thêm các loại hình giám sát, cần tập trung vào giám sát, cần phân biệt cái nào là thanh tra, cái nào là giám sát. Cần nghiên cứu trong mối quan hệ giữa giám sát và thanh tra, kiểm tra. Không nên mở rộng nghiên cứu tất cả các loại hình giám sát, chỉ tập trung một số loại hình đúng chức năng, hiệu quả. Về phương pháp nghiên cứu, cần cân nhắc thêm điều tra xã hội học.

Với những kết quả thuyết minh đề tài đạt được, Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn nhất trí thông qua phê duyệt nghiên cứu đề tài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm